Trang chủ » Posts tagged 'Lưu Quang Vũ'

Tag Archives: Lưu Quang Vũ

VÀI HỒI ỨC VỀ LƯU QUANG VŨ CỦA MỘT TRONG SỐ NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI

Xin nói ngay từ đầu: tôi không phải là bạn của Lưu Quang Vũ mặc dù tôi quen biết khá nhiều người thân và bạn bè của Vũ. Những điều được tạm gọi là hồi ức (xen lẫn những nhận xét hồi cố) nêu ra sau đây, chỉ là ghi lại những cảm nhận của một người trong cùng thế hệ Lưu Quang Vũ về một số luận bàn đương thời xung quanh con người và tác phẩm của tác giả này.

Điều trước tiên, một nhận xét mà những ai quan tâm đến đời sống văn nghệ ở miền Bắc hầu như đều thừa nhận là, so với các thế hệ sáng tác trước và sau mình, sự xuất hiện thế hệ làm thơ viết văn của Lưu Quang Vũ hầu như là sự kiện được dư luận xã hội đương thời ở miền Bắc cảm nhận một cách rất rõ rệt. Đây là điều hơi đặc biệt, bởi không phải sự xuất hiện thế hệ nào trên văn đàn cũng được nhận ra tức thời, mặc dù trên thực tế, hầu như bất cứ thời điểm nào cũng có thêm một ai đấy đặt bước chân vào văn chương, dù rụt dè hay bạo dạn. Từ 1954 đến 1960, lực lượng người viết văn tại miền Bắc đương nhiên có sự bổ sung và mất mát, nhưng công chúng dường như chỉ cảm thấy rõ rệt sự xuất hiện trong văn chương của lớp người viết sinh ra vào những năm 1940s, rõ nhất là những nhà thơ trẻ. Cho đến gần đây nhiều người vẫn quen gọi thế hệ này là “lớp nhà thơ chống Mỹ”, một cách gọi ngày càng tỏ rõ tính ước lệ, do gắn với sự cảm nhận “tại chỗ”, đương thời. Tôi đã có một bài viết dự hội thảo về sự xuất hiện lớp nhà thơ này, và sự nổi tiếng, sự ghi nhận tức thời về sự xuất hiện thế hệ nhà thơ này ở đời sống văn nghệ miền Bắc đương thời được tôi tạm giải thích bằng “độ rỗng về thông tin” (1) của cấu trúc dư luận công cộng ở miền Bắc những năm khá khép kín ấy.

Tôi theo dõi báo chí văn nghệ, ghi nhận được, bài thơ Lưu Quang Vũ đăng lần đầu trên tuần báo Văn nghệ là bài “Thư của một bạn trẻ mới tòng quân” (VN, 2.7.1965). Vũ chưa có thơ góp mặt trong tập Sức mới (Nxb. Văn học, 1965), sưu tập (thậm chí là tuyển tập!) đầu tiên của lớp nhà thơ này, với sự giới thiệu của bậc đàn anh (gọi là bậc thầy cũng đúng!) Chế Lan Viên. Năm 1966 Vũ có một loạt bài thơ đăng báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội (Gửi tới các anh; Lá buởi lá chanh; Qua sông Thương; Phố huyện; Áo…). Cuối năm ấy, trên Tạp chí Văn học của Viện Văn học có bài của nhà phê bình Hoài Thanh viết về thơ Lưu Quang Vũ (Hoài Thanh: “Một cây bút trẻ nhiều triển vọng”, Tạp chí Văn học, s. 12/1966). Năm 1968 Vũ có nửa tập “Hương cây” in chung với Bằng Việt (Hương cây. Bếp lửa, thơ Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Nxb. Văn học, 1968), ngoài ra Vũ còn có một số truyện ngắn đăng báo, trong đó “Thị trấn ven sông” được tặng giải 3 cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ. Đó là những thành công đáng mơ ước trong con mắt các bạn trẻ viết văn cùng thời.

Còn nhớ, một ngày đầu tháng 10/1967 tại một sườn đồi trong huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, nơi đặt “giảng đường” đại học sơ tán thời chiến, chúng tôi xúm nhau đọc số báo Văn nghệ từ Hà Nội vừa gửi lên, đã thật thích thú với bài thơ “Vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ. Nhân bài thơ này, bạn yêu thơ còn được biết thêm: nhân vật được gọi là “em” mà tác giả bài thơ dành tặng, chính là nữ diễn viên Tố Uyên từng nổi tiếng với phim truyện “Con chim vành khuyên”. Trong hình dung của bạn yêu thơ thời ấy, tác giả Lưu Quang Vũ chẳng những rất thành công về thơ, về văn chương, mà lại còn có một hạnh phúc riêng cũng rất đáng ước ao!

Trong số sinh viên cùng khóa với tôi (khoa Ngữ văn, Đại học tổng hợp Hà Nội, khóa 9, 1964-1968) có một số bạn làm thơ (Trúc Thông, Ý Nhi, Trần Mạnh Thường…); trong những câu chuyện thường ngày, bên ngoài chứ không phải bên trong giờ học, thì các thông tin và trạng thái nền thơ hiện tại, nhất là thơ trẻ, luôn luôn là câu chuyện cửa miệng. Nói như cách nói ngày nay, chúng tôi thường xuyên truyền các thông tin mới tìm được nghe được cho nhau, cho nên qua cái không gian thông tin của sinh viên cùng khóa, chúng tôi có thể nắm khá rõ lai lịch, nội dung thơ đã đăng của hàng chục nhà thơ lớp trẻ. Thời gian chúng tôi học đại học (1964-1968) cũng là thời gian Lưu Quang Vũ vào quân đội (binh chủng phòng không-không quân) làm thơ viết văn và thành công trong hoạt động văn học. Thế nhưng đã không có ai trong chúng tôi dự đoán được những tai ương có thể xảy đến với Vũ trong những năm tiếp theo.

Năm 1970, khi đã ra trường và vì vấp một tai nạn nhỏ nên tình cờ tôi biết chút ít cảnh ngộ riêng của Lưu Quang Vũ.

Sự thể là tôi được Bộ ĐH-THCN phân công về một ngành (tạp chí H.) mà tôi không thích gắn bó đời mình, lại cũng trái với chuyên ngành tôi được đào tạo; tôi bèn “quậy” khiến họ trả tôi về lại Bộ ĐH-THCN như “một sinh viên chống lại việc phân công ra trường”. Tôi tự tìm đến nhà xuất bản N. xin việc, được lãnh đạo ở đây trực tiếp thử việc và đồng ý nhận, thế nhưng rốt cuộc họ lại thôi không dám nhận, vì nơi cũ (tạp chí H.) can thiệp, yêu cầu Bộ ĐH-THCN phải đưa tôi đến công tác một nơi nào ở bên ngoài thành phố Hà Nội! Tôi nhớ bà giám đốc xuất bản nọ có cho tôi biết: anh Lưu Quang Vũ cũng đã tới đây xin việc và rốt cuộc chúng tôi cũng không dám nhận anh ấy! Chỉ do vậy, tôi mới biết nhà thơ cùng thời nổi tiếng của chúng tôi đã lâm một cảnh ngộ thật sự khó khăn như tôi! Xin nhớ: những năm 1970s ấy, các thông tin về cá nhân không thể có trên báo chí.

Chỉ rất lâu về sau, do bạn bè kể lại, được báo chí thời hậu bao cấp và nhất là báo mạng thời @ lan truyền, người ta mới biết: năm 1970, Lưu Quang Vũ ra khỏi quân đội, hôn nhân tan vỡ; anh phải làm nhiều nghề khác nhau để nuôi mình và nuôi con, khi thì đi chấm công cho một đội cầu đường, khi thì vẽ pa-nô, áp-phích, vào làm ở xưởng cao-su ngành đường sắt (nơi ông Tạ Đình Đề là giám đốc), làm nhân viên hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng (trước 1975 cơ quan này đóng trong khuôn viên trường Mỹ thuật ở phố Yết Kiêu, Hà Nội). Năm 1978, Lưu Quang Vũ được nhận vào làm biên tập viên tạp chí Sân khấu của Hội nghệ sĩ sân khấu VN.

Kể lại khái quát về đoạn đời Lưu Quang Vũ từ 1970, một bạn thân của anh, nhà phê bình Vương Trí Nhàn viết:

“Những phiền toái đã đến với Vũ khá nhanh chóng, những phiền toái do lỡ lầm hư hỏng của chính anh gây ra cũng có, mà do cái ngặt nghèo của hoàn cảnh cũng có. Tôi không nhớ thật rõ, nhưng hình như ngay vào khoảng đầu những năm 70, khi Vũ mới 22-23, trong đầu óc một số chúng tôi, cái hình ảnh mơ mộng của một nhà thơ được ái mộ nơi anh đã nhoà đi gần hết. Thay vào đấy là hình ảnh một kẻ long đong giữa cuộc đời vô định. Những hoang tưởng ngớ ngẩn đã đẩy Vũ đến chỗ vượt ra khỏi những quy định thông thường mà một người làm thơ trẻ phải tuân thủ. Và Vũ bị trả giá đích đáng. Báo chí không in thơ Vũ nữa. Vũ rơi vào tình thế cô độc, hầu như lạc lõng giữa dòng người sôi nổi. Một điều khốn khổ nữa là chính lúc ấy, cái gia đình riêng của Vũ cũng rạn vỡ. Nếu hồi trước với Lưu Quang Vũ, ngày nào cũng là ngày vui, sau khi đèo người vợ mới cưới đi làm, chàng thi sĩ trẻ rẽ vào một quán cà phê sang trọng, ngồi làm thơ, đến giờ lại rẽ lên Xưởng phim đón vợ về, thì về sau, tất cả đã thay đổi. Nơi người ta thường gặp anh là những quán nghèo “quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa”, người con gái đi bên cạnh anh là một cô bạn gầy guộc “em gầy như huệ trắng xanh”, cô gái như hiện thân của cuộc đời vất vả phiền phức mà Vũ không thể lìa bỏ”. (2)

Thử xem lại những thống kê đăng tải trên một số tờ như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, có thể thấy, từ 1969 đến 1975, Lưu Quang Vũ có rất ít bài đăng, có năm có một hai bài thơ, có năm hầu như không có gì. Có lẽ các tòa soạn đã ngầm thực hiện những chỉ thị từ đâu đó, nhằm cảnh cáo những cây bút bị xem là hư hỏng hoặc có dấu hiệu vượt ra ngoài những chủ đề đã được ngầm chỉ định. Nhân đây ta nên nhớ đến bài “Một vài suy nghĩ về dòng thơ trẻ trên miền Bắc hiện nay” (Văn nghệ, s. 374, ngày 11/12/1970) của Hoàng Trung Thông, khi ấy là vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương; nội dung bài viết ấy, tác giả đã đi nói chuyện tại nhiều nơi trên miền Bắc; bài báo này đánh dấu một chủ trương “uốn nắn” dòng thơ các tác giả trẻ, những người bị nhắc tới, nêu tên hoặc không nêu tên, không chỉ có Lưu Quang Vũ mà còn gồm cả Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Ngô Văn Phú, v.v. Thành ra, sự trắc trở trong đời sống và đời văn của Lưu Quang Vũ những năm 1970s không chỉ là lầm lỡ hay sai sót cá nhân mà còn cộng hưởng số phận cả một lớp người viết trẻ.

Giữa năm 1977, tôi trở về làm việc tại Hà Nội sau 7 năm phải đi dạy học cách trung tâm Hà Nội 60km; điều tình cờ là nơi tôi làm việc – nhà xuất bản Tác Phẩm Mới của Hội nhà văn Việt Nam, lại có đồng nghiệp là người thân của Lưu Quang Vũ. Chạm mặt nhau tại 65 Nguyễn Du là khá thường xuyên, thế nhưng sau cái gật đầu chào hỏi thường là ai đi việc nấy. Có lẽ tôi và Vũ chỉ duy nhất nói chuyện với nhau một lần. Tôi sẽ kể ở đoạn sau.

Đấy là thời gian Vũ đã có cuộc sống ổn định. Gia đình nhỏ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh, được lập nên giữa sự phản đối khá gắt, rốt cuộc đã khiến bố mẹ Vũ và cơ quan bạn bè công nhận. Vũ có nơi làm việc chắc chắn ở tạp chí Sân khấu. Trong nghề viết thì lúc này Vũ không chỉ làm thơ viết truyện, viết phê bình sân khấu, mà còn bắt đầu tiếp nối nghề của cha, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (1921-1981). Điều mà mọi người nhận thấy trong thái độ đối với nghề văn ở Vũ lúc này là sự nghiêm chỉnh, đúng hơn là một thái độ thực tế, xem đây là nghề nghiệp nuôi sống mình và gia đình mình. Những bài thơ mang tâm sự ngao ngán, thất vọng, ngờ vực… được gác lại trong sổ tay, trong bản thảo; còn các truyện ngắn, các bài thơ gửi đăng báo thì đều có giọng điệu phù hợp, đều đặt vừa trong giọng điệu chung, những bài viết về sân khấu thì tỏ rõ thái độ xây dựng thực tế đối với một khu vực nghệ thuật còn tạm thời chưa bị các phương tiện nghe nhìn hiện đại tranh giành công chúng. Để làm nghề thì người viết lúc ấy phải thích nghi với khuôn khổ một nền văn nghệ có kiểm duyệt, có vùng cấm. Không phải ngẫu nhiên Vũ chuyển trọng tâm ngòi bút sang sân khấu, và không phải tình cờ mà kịch bản đầu tiên có ngòi bút Vũ can dự và được dựng diễn lại là “Sống mãi tuổi 17” (đương thời còn được gọi là “Tuổi trẻ Lý Tự Trọng”). Những năm 1980s Vũ là nhân vật số 1 của nền sân khấu Việt Nam, là cây bút hàng đầu tạo nên một mùa vụ sân khấu sôi động khắp mấy đô thị lớn trong nước, có lẽ là mùa vụ lớn cuối cùng, trước khi các phương tiện nghe nhìn hiện đại xuất hiện tại đất này tranh giành hết công chúng.

Tôi nhớ lại chút ít về lần trò chuyện hầu như duy nhất của tôi với Vũ. Đó là vào khoảng tháng 5/1986, cơ quan tôi tổ chức cho cán bộ nhân viên đưa người nhà cùng đi nghỉ ở Bãi Cháy. Quỳnh là cán bộ biên tập nhà xuất bản nên đã đưa cả 5 thành viên nhà Quỳnh-Vũ cùng đi. Thời ấy xe từ Hà Nội đi sớm cũng phải đến chiều tối mới tới được Bãi Cháy. Người đông, xe chật nên mấy người trai trẻ như tôi và Vũ đều đứng ở cuối xe. Vì vậy, giữa chúng tôi có những trò chuyện mà tôi còn nhớ được vài điểm. Vũ đã nổi tiếng từ những năm 1960 nên dĩ nhiên tôi biết Vũ là ai, nhưng Vũ cũng biết tôi như một người viết phê bình. Vũ bảo: hồi mới xuất hiện, bọn mình chỉ biết có một lớp trẻ làm thơ, bây giờ thấy còn có lớp trẻ viết phê bình nữa. Nhân đó Vũ nhắc đến Vương Trí Nhàn, một người viết phê bình mà Vũ quen biết từ lâu, lại đã cùng nhau cộng tác viết báo làm sách (chuyến ấy Vương Trí Nhàn không đi vì đang chuẩn bị bay sang Moskva làm việc tại nhà xuất bản Cầu Vồng). Vũ và tôi đều kêu ca với nhau chuyện viết phê bình ít khi được đăng đều đều, lại thường bị trả nhuận bút thấp. Nhân đấy Vũ nói đến sân khấu. Vũ bảo: viết phê bình thì khó bán cho ai chứ làm sân khấu thì bọn tôi còn bán được cho chị em chợ Đồng Xuân! (ý “chị em chợ Đồng Xuân” là nói công chúng thị dân của sân khấu thời ấy, bên cạnh công chúng cán bộ nhà nước). Đại khái câu chuyện chúng tôi xoay quanh việc kiếm sống khó khăn của nghề viết. Chuyến ấy Vũ đi cùng gia đình nhưng còn kết hợp làm việc với một vài đơn vị sân khấu nữa, nên ở chặng trở về Hà Nội thì Vũ đi xe khác.

Nhắc lại cuộc trò chuyện trên đây, tôi muốn đề cập một loại nhận xét khác, vào chính những năm mà kịch Lưu Quang Vũ chiếm lĩnh toàn bộ sân khấu Việt Nam. Đó là nhận xét này: kịch Lưu Quang Vũ quả thật có công chúng đông đảo, nhưng trí thức thì không xem được (và xem không thấy được)! Chính tôi đương thời cũng chia sẻ nhận xét này. Tôi nhớ là lúc xảy ra cái chết rất đau lòng của Vũ cùng Quỳnh và đứa con chung, khi nhắc với nhau về kịch Lưu Quang Vũ, ít nhất tôi và bạn tôi là nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cũng vẫn tin vào nhận xét trên đây. Tất nhiên có thể chúng tôi sai. Tôi nhận thấy trong số 50 vở kịch Vũ đã viết, có lẽ chỉ có Hồn Trương Ba, da hàng thịt là chạm được đến cái triết lý về sự thống nhất bản nguyên của cá thể người, thân xác nào linh hồn ấy, không thể tháo dỡ lắp ráp phi tự nhiên được.

Tôi đặt số đông những vở kịch đề tài đương đại của Vũ vào mảng sáng tác văn học và sân khấu mang tính phản biện xã hội (thời đó chưa dùng từ này) những năm 1980s. Ở sân khấu, bên cạnh nhiều vở của Vũ (Tôi và chúng ta; Lời thề thứ 9; Bệnh sĩ; Khoảnh khắc và vô tận; Ông không phải bố tôi, …) là một số vở của Xuân Trình. Ở văn học thì nổi bật là mấy tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn (Đứng trước biển, 1982; Cù Lao Tràm, 1985). Đặc điểm của loại sáng tác này là vừa nương theo (truyền đạt, minh họa) cái nhìn chính thống, vừa gài vào đó những ý mang tính thảo luận, phản biện, đôi khi nhân danh những mảng miếng hài hước châm biếm kiểu tuồng chèo. Điều này đôi khi dẫn tới chỗ, giới lãnh đạo chính trị cũng hưởng ứng tác phẩm, diễn giải nó theo hướng thuận lợi cho “nghề” cai trị của mình, trong khi số đông công chúng lại thích nhấn nhá những “nốt” phản biện tuy ngắn nhưng rất đáng đồng tình, và nhất là những tiết đoạn hài hước cười cợt vốn chứa đựng sức giải tỏa tâm lý đáng kể. (Thậm chí Cù lao Tràm còn dẫn tới xung đột, tranh cãi giữa mấy nhà tuyên huấn trung ương như Hà Xuân Trường, Hoàng Tùng với giới tuyên huấn Tp.HCM., mượn lời các tác giả như Lê Khắc Thành, Nguyễn Ngọc Lượng, Phùng Quý Nhâm).(3)

Thiết nghĩ, nghiên cứu nội dung xã hội các tác phẩm văn nghệ trong thời bao cấp, trong xã hội chuyên chế cực quyền nói chung, thì không thể không chú ý đến tương ứng giữa “minh họa tư tưởng chính thống” với những nốt phản biện mà tác giả khéo léo cài cắm vào tác phẩm.

Tất nhiên, khi tác phẩm dành được sự yêu mến, hưởng ứng từ công chúng đông đảo, thì chính sự kiện này đã là một hiện tượng cần được phân tích cẩn trọng. Không dễ dàng để công chúng tán thưởng thứ nghệ thuật chỉ hoàn toàn minh họa những chủ trương hay ý tưởng của giới cầm quyền. Tất nhiên không phải bao giờ công chúng cũng sáng suốt mọi bề, không phải họ không thể bị lợi dụng, lèo lái bởi những tư tưởng mỵ dân. Nhưng một khi số đông công chúng tỏ ra đồng lòng thích thú một tác phẩm nghệ thuật dường như minh họa những chủ trương chính thống, thì bên trong tác phẩm kia chắc hẳn còn có những gì đó đã có thể khiến họ cảm mến và đồng tình, ít ra là trong giới hạn những điều kiện cuộc sống cụ thể ở thời điểm đó.

Có một sự việc gây cho tôi ấn tượng khá mạnh. Ấy là ít lâu sau đám tang gia đình Quỳnh-Vũ, một lần, ngồi với một số anh em tại văn phòng hội sân khấu ở 51 Trần Hưng Đạo, anh Xuân Trình đưa ra cho chúng tôi xem một tờ giấy khá lạ, như cỡ tờ giấy A4 bây giờ, trên mặt giấy là những hàng chữ ngoằn ngoèo rất khó đọc. Anh Xuân Trình bảo đấy là một tờ ghi sổ tang tại đám tang Quỳnh-Vũ, người ghi là một nhân vật cao cấp: Đào Duy Tùng. Anh Xuân Trình có mặt tại chỗ khi ông Đào đang ghi, thấy tay ông run lật bật như tay người bị parkinson, dù ông không mắc chứng ấy. Ông Đào nói với anh Xuân Trình (khi đó là Tổng biên tập tạp chí Sân khấu): Tôi xúc động quá anh ạ!

Vị cán bộ cao cấp kia quá xúc động vì cái tai họa quá tàn khốc đối với một gia đình văn nghệ sĩ, ‒ chắc hẳn là thế. Những ai có dự đám tang Quỳnh-Vũ hẳn đều ghi nhận: đấy là đám tang to nhất, đông nhất tại Hà Nội thời gian ấy, dành cho một văn nghệ sĩ, từ đó tới nay chưa có đám nào sánh được. Rất đông người đi đưa tang không phải là bạn bè trong giới văn học hay sân khấu, mà đơn giản chỉ là những khán giả thính giả từng xem từng nghe các vở diễn tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Rất có thể, một cách vô tình, cái cách biểu lộ sự hâm mộ, sự quý mến, trân trọng một văn nghệ sĩ của đám đông công chúng đã khiến vị cán bộ cao cấp đã ngạc nhiên đến mức bất ngờ.

Không rõ hiện giờ ở hội sân khấu còn lưu giữ được tờ giấy nói trên hay không? Tôi nghĩ, đó là một hiện vật nói được rất nhiều điều.

Hà Nội, 4.7.2018

LẠI NGUYÊN ÂN

Chú thích:

(1) Xem: “Hình thành, định hình, trưởng thành, phân hóa (Mấy nét về lớp nhà thơ xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam những năm 1960-1970)”; trong sách: Từng đoạn đường văn, tiểu luận, phê bình của Lại Nguyên Ân, Nxb. Hội nhà văn, 2016, tr. 272-283.

(2) Vương Trí Nhàn: “Lưu Quang Vũ và một mảng đời, một mảng thơ thường bị quên lãng”; trong sách: Cây bút đời người, tập chân dung văn học, Nxb. Hội nhà văn, 2007; bản trên mạng: https://vuongtrinhan.blogspot.com

(3) Xem: Dư luận về tiểu thuyết Cù lao Tràm trong sách: Văn học 1975-1985. Tác phẩm và dư luận, (Vân Trang, Ngô Hoàng, Bảo Hưng sưu tầm và biên soạn). Nxb. Hội nhà văn, 1997, tr. 371-414.

Advertisement

TIẾP CẬN VĂN BẢN HỌC TRONG NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VÀ XUẤT BẢN: MUỘN CÒN HƠN KHÔNG!

LẠI NGUYÊN ÂN

Thực tiễn đời sống văn hóa văn nghệ gần đây cho thấy cả công tác xuất bản lẫn công việc nghiên cứu phê bình đều cần đến góc tiếp cận văn bản học.

Thật ra thì tiếp cận văn bản học là không thể tránh đối với tất cả những lĩnh vực có liên quan đến ngôn ngữ văn tự. Các tác phẩm chữ viết, khi được truyền bản, nhân bản, dù dưới dạng chép tay hay in ấn, đều đứng trước nhu cầu phải được xử lý về văn bản. Tuy vậy, những việc ấy, ở xứ ta, thường được thực hiện một cách “tự nhiên nhi nhiên”, với những xử lý hoặc bị coi là quá thông thường, hoặc buộc phải tuân thủ những quy tắc tối thiểu nào đó, nên người ta cảm thấy dường như chẳng có vấn đề gì!

Cho đến gần đây, chỉ mới duy nhất có các văn bản thuộc loại hình chữ Hán-Nôm của người Việt, là được công nhiên thừa nhận cần thiết phải xử lý về văn bản học. Đã có một viện nghiên cứu riêng được nhà nước lập ra (Viện nghiên cứu Hán-Nôm), giành cho việc khảo cứu loại hình di sản này của văn hóa chữ viết. Thế nhưng, loại chữ viết kể trên (chữ Hán-Nôm) chỉ được người Việt dùng từ xa xưa cho đến thế kỷ XIX, số lượng tác phẩm Hán-Nôm của tác giả Việt còn tính đếm được có lẽ không quá 5 chữ số. Từ cuối thế kỷ XIX — đầu thế kỷ XX trở đi, xã hội người Việt chủ yếu dùng chữ Quốc ngữ, tức tiếng Việt ghi bằng các ký hiệu Latin của người châu Âu, và nay ta gọi tắt là chữ Việt. Số lượng tác phẩm đủ loại do người Việt viết ra in ra bằng chữ Việt, nay nếu tính đếm, chắc phải dùng đến 10 chữ số.

Và điều đáng nói hơn, những sự cố liên quan đến văn bản (như hai dị bản “bùn”/”đất cày” trong một bài thơ Lưu Quang Vũ gây xôn xao dư luận mới đây) đôi khi ám ảnh cả một công chúng rộng; trong lúc bàn cãi nhau quanh sự cố ấy, người ta mới nhận thấy ở lĩnh vực này dường như đang trống vắng những hiểu biết căn bản có thể làm nền cho những hướng xử lý thích đáng.

Tôi từng nghe kể, có lần, một công chức ở Cục xuất bản bị một người, nhân danh thân nhân tác giả X., đến chất vấn và yêu cầu xử lý, tức là ra lệnh phạt một nhà sách kia, vì đã phạm tới vài trăm lỗi dị bản, khi tái bản tác phẩm của tác giả X. Viên chức nọ không biết xử lý ra sao, đành để vị khách kia ngồi lỳ ở đó!

Câu chuyện hình như được một số nhà văn quan tâm, và người ta vội làm một hội thảo, nêu lên một loạt những lời ta thán, trách cứ giới làm sách, nêu cao những đòi hỏi “chuẩn mực”, “chính xác”, v.v… Thế rồi người ta định lập ra một trung tâm trực thuộc Hội nhà văn với công việc chính sẽ là cung cấp văn bản chuẩn mực các tác phẩm cho xuất bản! Thật may là trung tâm ấy chưa ra đời, bởi nếu nó đi vào hoạt động thì, giới văn chương và công chúng hẳn sẽ được thấy những cảnh ngộ dở cười dở khóc với cái sẽ được gọi là “văn bản chuẩn mực”! Phải chăng các vấn nạn xung quanh câu chuyện tạm gọi là “in sai” văn bản tác phẩm, lại có thể giải quyết dễ dàng như thế hay sao? Và nếu quả thật các vấn đề là dễ xử lý thì vì sao mỗi khi nó  xuất hiện lại thường gây ách tắc đến vậy?

Nếu muốn tìm kinh nghiệm từ giới chuyên gia văn bản học người Việt, chắc hẳn trước hết phải tìm tới các nhà Hán-Nôm học; song ngoài các vấn đề chung ra, loại hình văn bản Hán-Nôm gắn với một thời đại kỹ nghệ khác (viết tay, chép tay, in khắc ván, v.v.), khó mà đủ để xử lý loại văn bản của các thời đại in máy (typographie), in sắp chữ rời, từ thủ công, bán thủ công sang tự động hóa, rồi công nghệ in thời đại internet.

Tất nhiên ngọn nguồn mọi tác phẩm là từ tác giả. Phải có văn bản của tác giả rồi mới có các văn bản in.

Song, ngay văn bản của tác giả (có khái niệm “bản thảo”) cũng đã không đơn giản; hầu như ít tác phẩm nào chỉ duy nhất có một văn bản; một bài thơ ngắn, trong sổ tay tác giả có thể cũng đã có vài dị bản ở câu này chữ kia, do tác giả cân nhắc giữa vài ba từ khả dĩ đáp ứng chiến lược diễn ngôn của mình. Khái niệm “văn bản gốc”, đi vào nghiên cứu cụ thể, sẽ thấy không hề đơn giản. (Vả chăng, đến khi tác phẩm được xem là thành tựu thì tác giả đã đi xa, cả bản nháp lẫn “bản gốc” hầu hết đều không còn).

Sang giai đoạn văn bản được nhân bản, từ một bản của tác giả được in thành ngàn bản, chục ngàn bản, tức là văn bản đăng báo, in sách, thì tuy mỗi lần in tạo ra một văn bản đồng nhất, bởi đều được dập ra từ một bộ khuôn chữ, nhưng những lần in khác nhau lại tạo ra những văn bản khác nhau, mỗi lần in lại tạo cho tác phẩm thêm một loạt dị bản.

Tôi đã nghiệm thấy rõ điều này khi khảo sát tình trạng văn bản một số tác phẩm cụ thể. Không bao giờ văn bản một tác phẩm ở các lần in khác nhau lại đồng nhất, trùng khít nhau; đó gần như là quy luật.

Tựu trung tôi thấy có hai loại nguyên nhân khiến cho mỗi lần in, cùng một tác phẩm sẽ tạo ra thêm một dị bản mới.

Thứ nhất là loại nguyên nhân “chủ quan”, do chủ ý của những người tham gia công việc xuất bản: 1/ tác giả (nếu còn sống khi tác phẩm của mình được in lại) có thể (và có quyền) sửa chữa tác phẩm của mình; 2/ người xuất bản có thể đề xuất những thay đổi nhất định trong văn bản tác phẩm đưa in, vì những lý do nào đấy, chí ít là quy tắc chính tả, quy tắc viết tên riêng, v.v.; 3/ cơ quan kiểm duyệt (chính quyền đương thời cấp giấy phép in) có thể cắt bỏ những câu chữ, đoạn văn nhất định.

Thứ hai là loại nguyên nhân “khách quan”, vô tình, ngoài ý muốn: tác giả có khi vô tình viết sai một vài từ nào đấy (câu “Người là đấng tinh truyền thanh vẹn” bị ngờ là do Hàn Mặc Tử viết nhịu cái câu có lẽ nguyên là “Người là đấng trinh tuyền thánh vẹn”!); thợ sắp chữ có thể sắp sai những chữ, câu, đoạn nhất định mà thợ sửa in không phát hiện ra nên đã không sửa trên khuôn in; nhân viên đánh máy cũng có thể vô tình phạm những lỗi tương tự thợ sắp chữ; trên máy in thủ công và bán thủ công còn xảy ra việc chữ rơi khỏi khuôn in, đôi khi thợ trực máy in sẽ cứu nguy bằng cách vuốt trở lại những con chữ nhảy ra ngoài ấy trở vào khuôn, nhưng chưa chắc nó đã về đúng chỗ cũ mà có thể lại nhập vào dòng khác, tạo ra những sai biệt độc đáo trên trang sách in ra…

Vậy là nếu ở thời đại chỉ có thể truyền bản các tác phẩm bằng cách chép tay đã tiềm ẩn nguy cơ tạo dị bản, từng được tổng kết là “tam sao thất bản”, thì sang các thời đại nhân bản bằng in khắc ván, in máy, tác phẩm được nhân bản cũng vẫn đứng trước nguy cơ có thêm dị bản như xưa, không thể tránh được. Sản phẩm in là sản phẩm của con người, nó tùy thuộc hàng loạt nhân tố con người, như ta vừa thử hình dung.

Xin nêu một dẫn chứng dị bản “sai”, xuất hiện hồi 1976, chứ nếu xuất hiện bây giờ, chắc sẽ “vỡ chợ” văn!

Đọc vào truyện ngắn “Mùa lạc” của Nguyễn Khải, in trong tuyển “33 truyện ngắn chọn lọc” của Nxb. Tác Phẩm Mới (1976), thấy câu này về lai lịch chị Đào:

… được đứa con trai lên hai thì chồng chết. Cách mấy tháng sau đứa con lên sài bỏ đi để chị ở một mình. Từ ngày ấy chị không có gia đình nữa, đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy chồng, khi ngược Lào Cai buôn gà vịt, mùa tu hú kêu sang đất Hà Nam buôn vải, tháng sáu lại về quê bẻ nhãn…”   (“33 truyện ngắn chọn lọc, Nxb. TPM., 1976, tr. 199)

Đang mạch văn kể lể từa tựa giọng thổ lộ tâm tư giữa đám đàn bà xứ Bắc, nhưng sao lại có sự việc “khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy chồng”?  Tra lại mấy cuốn khác nhau có in truyện này mới vỡ lẽ, chỗ ấy đúng ra là “khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy muồng”! Muồng, có lẽ là tên một thứ cây lá hay hoa quả, tóm lại là tên mặt hàng. Chị này đi làm nghề buôn mà lại! Thế mà in lầm ra “lấy chồng”, rõ thật tai hại. Mà cái sai này, tuyển “33 truyện ngắn chọn lọc” (Nxb. Tác Phẩm Mới, 1976) chỉ tiếp tục cái sai đã có từ một tập sách khác, chứ không phải sách này là nơi phát sinh chữ sai ấy!

Công bằng mà nói, ở thời dùng máy in với các khuôn chữ chì, các công đoạn làm việc được phân định rất tách bạch; do vậy sách báo in sai khá ít; sách in ra thường có bản đính chính các lỗi in sai dán kèm, tức là nhà xuất bản thường cho nhân viên đọc lại ngay sau khi sách in xong, rồi đưa ra những “tờ rơi” đính chính cần thiết.

Sách in sai nhiều nhất, theo tôi, là hồi ta chuyển từ kiểu in sắp chữ chì sang kiểu làm chế bản trang in trên máy vi tính; tức là những năm 1990s. Nhân viên đánh máy chế bản lúc ấy chưa biết cách làm chủ các kỹ thuật trên computer nên gây ra lỗi sai đầy rẫy; nhiều khi cả người sửa in lẫn biên tập viên đều ghi rõ yêu cầu sửa lên các bản “bông”, nhưng các lỗi sai vẫn rất nhiều, chủ yếu do nhân viên đánh máy chưa làm chủ kỹ thuật chỉnh sửa, định dạng đúng cho các trang sách sẽ in. Một số bạn thân quen trong giới với tôi hồi ấy thường nhận xét với nhau: các bộ “tuyển”, bộ “tổng” dày trang, nhiều tập, làm trong những năm này, có một nét chung: văn bản trong đó không đủ độ tin cậy để ta sử dụng!

Dăm bảy năm gần lại đây, nghề sách có những tiến triển thấy rõ, nhất là về kỹ nghệ in ấn. Song tình trạng lỗi in sai vẫn còn khá trầm trọng. Có những nguyên nhân thuộc về thương mại, khi người buôn bán sách không còn trực tiếp gắn với việc sản xuất sách nữa, người ta chỉ lo mấy yếu tố bề ngoài, cái bìa, bố cục chung, loại giấy in, v.v., còn nội dung chữ nghĩa thì khoán trắng cho một vài đầu mối vốn tương đối yếu về năng lực thẩm định chất lượng. Lại có những nguyên nhân thuộc về tầm hiểu biết chung quá hạn hẹp của những nhân viên tham gia các công đoạn làm sách. Tất nhiên trong nghề sách cũng đang diễn ra sự phân hóa về đẳng cấp; ta nên trông đợi những nhân tố ưu tú vượt lên.

Liên quan đến những phàn nàn trong dư luận về lỗi in sai, tôi không cổ động cung cách “quân phiệt” là xử phạt; tôi cho là cần tăng cường phê bình chất lượng sách, tăng cường phản hồi của bạn đọc, nhất là xung quanh những lỗi in. Điều căn bản hơn là nên khuyến khích người làm xuất bản, khi tái bản tác phẩm, học lấy cách tìm tới những sản phẩm in uy tín trước kia, học lấy sự kỹ tính khi lựa chọn bản cũ để in lại; cũng nên nhắc họ nghiêm khắc hơn đối với đám nhân viên mới dự vào nghề làm sách, đừng chấp nhận lối ỷ vào quê quán để đưa những sai lệch ngữ âm vùng miền, những lối nói sai nói ngọng vào sách báo in. Cũng nên nhắc lại rằng: Công việc tái bản, in lại tác phẩm phải được đặt trong mục tiêu đưa lại cho công chúng một văn bản gần nhất với văn bản của tác giả; xin chớ nệ vào những toan tính “sửa thế này sẽ hay hơn” để làm lệch khỏi văn bản của tác giả.

Song song với các nỗ lực trong giới xuất bản, thì các giới nghiên cứu phê bình cũng nên dành thời gian và nỗ lực cho góc tiếp cận văn bản học. Trước hết, các tác phẩm chữ Việt đã đạt được sự công nhận ở mức nào đó của công chúng (qua các chỉ số xã hội học như số lần in, số bản in, hoặc sự đánh giá của giới phê bình) thì cần được khảo sát về mặt văn bản. Phải thấy, tình trạng một loạt tác phẩm xuất hiện từ những năm 1930s, được công chúng nhớ tên, mà cho đến nay vẫn chưa được khảo sát tình trạng văn bản qua các lần in khác nhau, — là điều khó có thể chấp nhận. Giới nghiên cứu các ngành xã hội-nhân văn trong nước hiện giờ không đến nỗi quá ít oi về nhân sự để không thể đào tạo lấy một số chuyên gia có năng lực giải quyết các vấn đề văn bản học. Ta đã có một số chuyên gia có uy tín về văn bản học Hán-Nôm; bây giờ cần có thêm những chuyên gia lành nghề về văn bản học chữ Quốc ngữ (= chữ Việt).

Chỉ các kết quả những khảo sát văn bản học cụ thể, đối với từng tác phẩm, mới cho phép hình dung tiến triển về văn bản của mỗi tác phẩm khi được truyền bản ở các lần in sau, qua đó có thể thấy ít nhiều diễn biến về thị hiếu, về ngôn ngữ xã hội, tâm lý xã hội, v.v.

Nếu trong một tác phẩm qua các lần in sau xuất hiện những dị bản trái với lối viết ban đầu của tác giả thì có thể coi dị bản là quá trình làm sai khác văn bản tác giả.

Công việc tái bản, in lại tác phẩm phải nhằm đưa lại cho công chúng văn bản gần nhất với văn bản của tác giả.

Trong nghiên cứu phê bình, đôi khi ta còn có thể đọc ra những xu thế, xu hướng văn hóa xã hội khác nhau hiển thị ở lịch trình làm lệch đi, sai khác đi đối với văn bản ban đầu một tác phẩm.

16/7/2016  

LẠI NGUYÊN ÂN