Trang chủ » Posts tagged 'Lê Tràng Kiều'

Tag Archives: Lê Tràng Kiều

MỘT ĐOẠN HỒI ỨC CỦA LÊ TRÀNG KIỀU VỀ NGHỀ LÀM BÁO

LÊ TRÀNG KIỀU (1912-1977) là một trong những nhà hoạt động báo chí và văn học có vai trò đáng kể trong làng văn làng báo Việt Nam thời kỳ 1930-1945 và cả về sau, trong hai cuộc kháng chiến. Tuy vậy, sự nghiệp và tác phẩm của Lê Tràng Kiều cho đến nay vẫn chưa được chú ý đúng mức cả trong các nghiên cứu văn học sử lẫn trong việc sưu tầm tái xuất bản.

Dưới đây, xin giới thiệu một bài hồi ức khá dài của Lê Tràng Kiều nói về một đoạn hoạt động báo chí văn nghệ của ông và nhóm văn nghệ sĩ bạn bè ông, hồi những năm 1935-1936.

Ta biết, Lê Tràng Kiều bước vào nghề báo nghề văn từ khoảng năm 1932, ban đầu viết trên tờ Văn Học Tạp Chí của anh em nhà họ Dương (Dương Quảng Hàm, Dương Tụ Quán), sau đó ông xuống Nam Định làm tờ tuần san Kho Chuyện Của Phái Cười Đời (1933), rồi lại trở lên Hà Nội, làm các tờ tuần báo Tân Thiếu Niên (tục bản, 1935), Tiến Hóa (tục bản, 1935), Hà Nội Báo (1936-1937), Tiểu Thuyết Thứ Năm (1937-1939). Năm 1940 ông vào Sài Gòn, làm tờ báo Lá Lúa. Thời kháng chiến chín năm (1946-54) ông có vai trò nổi bật trong nhóm ký giả kháng chiến mà sau 1954 ở Sài Gòn người ta còn nhắc tới.

Đối với báo chí và văn học thời “tiền chiến” (1930-45), Lê Tràng Kiều không chỉ có vai trò là một người viết văn viết báo mà còn có vai trò của người tổ chức cơ quan báo chí, tập hợp nhà văn nhà báo.

Về giai đoạn văn học này, người ta mới chỉ nói nhiều đến những nhóm như Tự Lực Văn Đoàn, song bên cạnh đó còn cần thấy rõ sự hoạt động và vai trò của nhiều nhóm văn chương và báo chí khác nữa, bởi chính sự đa dạng, đa nguyên, bao hàm sự đối chọi, cạnh tranh lẫn nhau, về văn hóa nghệ thuật thời tiền chiến mới là môi trường nuôi dưỡng và sản sinh những sáng tạo văn nghệ đáng giá, những nhân cách văn nghệ đáng nể trọng.

Đoạn hồi ức của Lê Tràng Kiều dưới đây chỉ nói về hoạt động của nhóm ông từ sau khi tờ Tân Thiếu Niên (26/1/1935 – 13/2/1935) bị rút giấy phép, đến khi nhóm ông lại ra số ra mắt tờ Tiến Hóa (2/11/1935 – 7/12/1935). Hồi ức này được viết và đăng trên Hà Nội Báo, tờ tuần báo của doanh gia Lê Cường do Lê Tràng Kiều làm chủ bút. Là hồi ức nhưng các sự việc được nói tới vẫn còn khá “nóng” vì đó chính là trải nghiệm chưa hề xa của chính tác giả và bè bạn; tác giả lại kể chuyện bằng giọng hoạt kê, trào phúng, tự cười đùa về những thất bại (nhiều hơn thành công) của chính mình.

Đây là một hồi ức thú vị.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

(Lưu ý: Tôi cho đánh máy lại theo từng kỳ báo, và làm thêm các chú thích sau mỗi kỳ báo ấy, để tiện theo dõi cho người đọc)

15/5/2014

LẠI NGUYÊN ÂN sưu tầm và giới thiệu.             

 

 

NHỮNG PHÚT VINH NHỤC CỦA NGHỀ BÁO

Văn hoạt kê của LÊ TRÀNG KIỀU

LỜI GIÁO ĐẦU

Mỗi người rơi xuống cõi trần với một cái tội.

Cũng như anh… Tiểu Thần xuống cõi trần với cái tội ngâm thơ suông, cũng như anh Đại Vũ xuống cõi trần để viết những bài kịch liệt. [a] Tôi, tôi rơi xuống cõi trần với cái tội: làm báo.

Báo có ba nghĩa:

Nghĩa thứ nhất: Một con vật hung dữ ở trong rừng xanh chỉ kém có ông hùm.

Nghĩa thứ hai: những tờ giấy trắng để cho các văn sĩ ngồi rỗi đổ mực đen vào.

Nghĩa thứ ba: Báo hại…

Chữ báo của tôi gồm đủ có ba nghĩa ấy.

Làm báo theo tôi là phải khiêu chiến với hết mọi người, phải có cái hung hăng của con vật ở rừng xanh.

Làm báo theo tôi nghĩa là như tôi viết bài này.

Làm báo theo tôi, nghĩa là phải báo hại mình và báo hại người…

Nếu như tôi cũng như ông Phan Trần Chúc cũng có điều đáng tự hào đáng tự đắc, điều ấy là điều tôi đã làm trọn nghĩa cái chữ báo trong văn chương Việt Nam.

Hơn thế nữa, tôi còn cho nó một cái nghĩa mà trong văn chương Việt Nam không có.

Làm báo còn có nghĩa là làm cái nghề mà ta có những cái lý thú, mà trong nghề khác không bao giờ có…

Nó cũng có những cái “vinh” của nó, những giờ phút thú vị, những phút “lêu lổng”… [b]

Ở đây tôi xin thành thực cám ơn đức Thượng đế đã ban thưởng cho tôi cái tội quý hóa ấy là làm cái nghề báo này.

 

Nguồn:Hà-nội báo, H., s. 8 (26 Fevrier 1936), tr. 5.

Chú thích

[a]  Tiểu Thần: có thể ý tác giả chỉ Lưu Trọng Lư, Đại Vũ: có thể ý tác giả chỉ Vũ Trọng Phụng (?).

[b]  Chữ này, ở kỳ đầu (s. 8) là “lên bổng”; ở kỳ sau (s. 9) in lại “Lời giáo đầu”, từ này được sửa thành “lêu lổng”.

 

I.  CÁI BÀN KHỔNG LỒ

Sau khi Tân Thiếu Niên đã tiêu diêu về nơi tiên cảnh rồi, [a]  bọn chúng tôi năm người: Lưu Thần, Vũ Vu, Huỳnh Cóc, Ba Huy [b] và tôi còn phải bơ vơ ở chốn chợ trần. Một nghìn rưởi bạc bỏ ra gây dựng cho Tân Thiếu Niên cũng theo với Tân Thiếu Niên mà về tiên cảnh, chúng tôi sờ vào túi áo chỉ còn một cái… mộng: làm báo. Vẫn làm báo, sống chết vẫn còn đeo lấy cái mộng ác hại ấy.

Trong những nghề hiện có, nghề báo có lẽ là nghề cám dỗ người ta dễ hơn cả! Ai đã có dan díu với “ả” ít nhiều rồi, đố mà buông ra cho được nữa? Ta thường thấy dân làng bẹp [c] bán cả ruộng nương nhà cửa đi mà hút. Người nghiện báo, cơn nghiện lên, cũng chẳng kém gì dân bẹp.

 

Thật ra cũng có người làm báo để kiếm lợi, cũng có người làm báo để kiếm danh, nhưng phần nhiều làm báo chỉ là để mà làm báo.

 

Sau khi giả cái nhà lại cho ông nghị trưởng Phạm Huy Lục mà chúng tôi thuê với cái giá 25$00 một tháng, chúng tôi dọn đồ về một gian nhỏ ở phố Pottiers. [d] Chúng tôi thuê cái gian nhỏ ấy mỗi tháng 10$00, không cốt để ở, mà cốt có chỗ gửi cái bàn hình mặt giăng, dài gần 8 thước, rộng hơn một thước, cả thẩy có 8 chân! Giá tôi viết hết lịch sử của cái bàn khổng lồ này thì chắc không bao giờ hết được. Phải, cái bàn của chúng tôi nó cũng đã có một thời oanh liệt. Nó đã tầng chứng kiến những cuộc hội nghị “long trọng” có quan hệ đến cuộc sinh tồn của tờ báo, những cuộc hội nghị ấy bao giờ cũng kết liễu bằng những sự cãi cọ hung hăng.

Những khi chúng tôi “phất”, thì cái bàn ấy được nâng niu, khi chúng tôi thất bại, thì nó buồn rầu nằm một xó để chờ thời. Bây giờ đây, nằm ở cái gian nhà ở phố Pottiers, thì nó biến thành cái bàn ăn, cái giường ngủ cho nhân viên tòa soạn trong lúc bại trận. Những giấc ngủ của chúng tôi ở trong gian nhà nhỏ phố Pottiers là những giấc ngủ không chăn gối, những bữa cơm của chúng tôi ở trong gian nhà nhỏ phố Pottiers là những bữa cơm chỉ có xôi với kẹo vừng…

Những khi ngủ dậy hoặc ăn xong, chúng tôi lại tản mác mỗi người một ngả, người thì ra ngồi ngáp ở vườn hoa con cóc, người thì lên vườn Bách thú xem hổ, đến bữa thì lại về để ăn. Những bữa cơm lúc đầu hơi tẻ, nhưng dần dần vui lên. Chúng tôi lại chuyện gẫu, lại nói phét, lại tán hão với nhau. Trong gian nhà u tịch ở phố Pottiers, đã bắt đầu có cái vẻ rộn rịp như xưa…

Trước những sự khó khăn mình không thể vượt được, tôi đã hơi chán. Nhưng bây giờ tôi lại phấn chấn. Cái chí làm báo của tôi bây giờ đã cả quyết lắm rồi.

Một hôm, tôi bỏ các bạn lại với gian nhà u tịch ở phố Pottiers, tôi “du lịch” xuống Nam Định và các vùng Thanh Hóa, Ninh Bình, sang Đáp Cầu, Bắc Ninh, v.v… kiếm thêm những kẻ hằng tâm và hằng sản, nhất là hằng sản, vui lòng giúp chúng tôi mở báo một lần nữa. Mà lần này thì chúng tôi định làm to tát hơn trước nhiều, chúng tôi dự trù đến một vạn. Du lịch về, tôi chỉ giầu … thêm mộng mà thôi, vì tiền người  ta chỉ mới hứa bỏ ra.

 

Trong lúc ấy, thì tôi được tin anh Lưu Thần ở Huế mới ra, trọ tại một khách sạn xế gare. Tôi thuê xe đến đón anh. Đến nơi, anh đương bận tiếp một người khách có lẽ quan trọng…

Chúng tôi chưa kịp hỏi chuyện nhau thì anh đưa cho tôi một tập Phạm Quỳnh, Vương Tứ Đại, Nguyễn Bá Trác, Phan Sào Nam, v.v… kết quả một cuộc du lịch ở Trung Kỳ. Tôi đỡ lấy tập bài và cười thầm. Khi ra về, anh còn dặn với tôi:

‒ Khi nào anh đăng thì để tôi sửa morasse lại cẩn thận một lần nữa.

Tôi ra về, xuống mấy tầng gác, cứ cười khúc khích một mình. Mãi khi thấy một thiếu nữ da dẻ trắng trẻo ngon lành bày ở gần lối tôi đi ra, bấy giờ tôi mới tỉnh ngộ.

Người thiếu nữ ấy, ai ngờ lại là người nuôi tờ báo sau này của chúng tôi bằng những bài nhí nhảnh như nụ cười của cô ta.

Nguồn: Hà-nội báo, H., s. 9 (4 Mars 1936), tr. 4 – 5, 15.

Chú thích

[a]  Tân Thiếu Niên (21/2/1932 – 25/8/1932) báo ra 2 kỳ/tuần, chủ nhiệm Trần Tấn Thọ, tòa soạn 25 Lê Quý Đôn, Hà Nội. Sau đó giấy phép được bán lại cho Lê Tràng Kiều, trở thành tuần báo Tân Thiếu Niên, tòa soạn ở số 8 đường Richaud (nay là Quán Sứ), Hà Nội, số 1 (26/1/1935), bị cấm sau số 3 (16/2/1935); theo báo Công luận ở Sài Gòn (ngày 30/3/1935) thì Tân Thiếu Niên bị cấm vì đã đăng bài “Nghề cạo giấy” của Vũ Trọng Phụng viết về Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, một đảng viên VNQDĐ bị thực dân xử tử.

[b] Chỗ này kể tên mấy người trong nhóm: Lưu Thần (= Lưu Trọng Lư), Vũ Vu (= Vũ Trọng Phụng? hoặc Vũ Đình Liên? hoặc Vũ Lang ?), Huỳnh Cóc (chưa rõ là ai?), Ba Huy (Nguyễn Xuân Huy)…

[c]  dân làng bẹp: ý nói người nghiện thuốc phiện.

[d]  Phố Pottiers: nay là phố Bảo Khánh, Hà Nội.

II.  THÁM HIỂM

Sau một cuộc hội nghị quan trọng ở cái gian nhà nhỏ phố Pottiers, chúng tôi mỗi người mỗi ít gom góp lại được một số tiền, vẻn vẹn là 300$00. Với một số tiền ấy, cố nhiên chúng tôi chưa hề nghĩ đến sự lập lại một tờ báo nữa, nhưng cũng đủ cho chúng tôi “hoạnh” một chút – nói như tiếng đàng trong của anh Lưu Thần. – Phải, khi người ta đã có những ba trăm bạc dính túi, bao giờ người ta lại chịu yên thân ở một gian nhà phố Pottiers, cái gian nhà tối tăm chật hẹp. Chúng tôi nhất định dọn đi nơi khác! Nhất định lắm rồi, dầu có trời cản cũng không nổi. Cũng nhờ vậy mà cái bàn “khổng lồ” của chúng tôi lại được đổi số phận!

 

Từ khi trong óc chúng tôi có cái ý ấy, thì việc tìm nhà thành một cái cớ rất chính đáng để cho chúng tôi “tiêu” bớt thì giờ, vì thì giờ chúng tôi lúc bấy giờ có dư nhiều quá!

Cứ mỗi buổi sáng, sau khi đã tẩy rửa sạch những cái ô uế của ban đêm, anh Huy với một đôi giầy trắng “tứ thời”, anh Huỳnh Cóc với một điếu xì-gà không bao giờ ăn lửa, anh Vũ Vu với một cái can để giữ chó (vì cái can ấy mà anh được chúng tôi tặng cho cái huy hiệu là “anh phản khuyển”), anh Lưu Thần với một nàng thơ õng ẹo ở trên lưng, còn tôi với một cái cặp lớn, ở trong chứa chất đầy những cái di cảo của một cô tình nhân đã qua đời, [a] chúng tôi cứ nhằm về phía nam mà tiến; nghĩa là hôm nào chúng tôi cũng phải đi qua phố Hàng Trống. Sự chọn hướng ấy không phải là không có duyên cớ – nói là duyên nợ thì có lẽ đúng hơn! – Nguyên ở phố ấy có một “bà tiểu thư” ở một cửa hàng thêu, mỗi lần thấy chúng tôi đi ngang qua, thì bà thường hạ cặp mục kỉnh xuống, đưa vạt áo lau qua quýt một tý rồi lại “thượng” lên, “chĩa” vào bọn chúng tôi, và nhìn chòng chọc riêng anh Huỳnh Cóc. Bấy giờ anh Huỳnh Cóc mới chịu đánh diêm lên và châm cái điếu xì-gà của anh. Lần này, ôi huyền diệu! cái điếu xì-gà của anh lại bắt lửa… một cách dễ dãi. Chúng tôi quay lại nhìn vào anh: cũng phải nhận rằng anh Huỳnh Cóc quả có duyên thầm… [b]

 

Rồi từ đó, cái điếu xì-gà của Huỳnh Cóc, mỗi khi qua “bà tiểu thư” ấy thì lại phun ra một ít khói. Nhưng cái lịch sử của “bà tiểu thư” đã cho anh chút duyên thầm đó, trong bọn chúng tôi chưa ai được rõ lắm, dầu trong chúng tôi có một nhà phóng sự đại tài. Nhưng như lời Huỳnh Cóc thì cứ nhìn thẳng vào mặt bà … tiểu thư ấy, trong một lúc lâu, thì ta sẽ đọc được giữa những nếp nhăn, mấy hàng chữ quảng cáo như vầy: “Tiểu thư… nhà giầu, xuân xanh: 29 tuổi, đã bị ba lần cưới hụt…. vẫn chưa kệch, còn muốn có một tấm chồng để bồng bế trên tay”.

 

Không những chỉ anh Huỳnh Cóc mới có ở trong óc một “bà tiểu thư”, anh Ba Huy cũng có ở trong giấc mộng của anh một người mà anh gọi bằng một cách văn hoa là Châu Hà. Không biết Châu Hà của anh có thực hay không, nhưng khi anh ngủ, thì Châu Hà cũng đến với anh, khi anh đi với chúng tôi, anh cũng tưởng như khoác tay Châu Hà cùng đi. Rồi mải miệt mê với con người… mộng, có khi xe ô tô đằng xa đi tới, anh vẫn đường hoàng và bình tĩnh bước tới như khinh cả sự hùng cường của khoa học. Những lúc ấy phải có anh Huỳnh Cóc giật tay anh một cái mạnh lên vệ đường. Như một người si … chưa tỉnh, anh nhăn răng nhìn chúng tôi mà cười.

Sự đi tìm nhà, bấy giờ đối với chúng tôi, thành như một cuộc thám hiểm, mỗi ngày thấy thêm một ít điều mới lạ.

Hà Nội là một thế giới vô tận của những sự mới lạ.

Nguồn: Hà-nội báo, H., s. 10 (11 Mars 1936), tr. 7 -8.

Chú thích

[a]  Ý nói những bài vở từng được chuẩn bị cho Tân Thiếu Niên lúc này đã bị đóng cửa.

[b]  Theo nhà thơ Anh Chi thì “bà tiểu thư” ở phố Hàng Trống, chính là nữ sĩ Vân Đài, sau thời gian này bà lấy người có tên là Huỳnh Cóc trong hồi ức này, rồi theo chồng vào Trà Vinh, Nam Kỳ, gần mười năm sau mới trở ra Hà Nội.

III. HOÀNG HẠC LÂU

Một hôm trời rét như cắt, chúng tôi ngồi đốt những giấy vụn, những báo đổi, [a] một ít bài lai cảo vô duyên để sưởi, thì anh Huỳnh Cóc tự đâu bước vào, với một nụ cười hí hởn. Anh mang về mấy con mực khô và hai chai Văn Điển, [b] và một tá xì-gà. Ai cũng tưởng là có tin mừng. Một nụ cười dài chạy từ miệng người này qua miệng người khác. Người nào cũng khấp khởi xúm nhau lại hỏi, nhưng anh làm bộ bí mật, không muốn đáp ngay.

– Các anh sẽ hiểu! Bất tất phải hỏi.

Rồi anh yên lặng chạy xuống bếp nướng mấy con mực khô, và xé ra mời anh em:

– Thôi bây giờ anh em chén đi cho no say!  Người xưa rót 300 chén không ngừng. Người xưa bán cả áo cả ngựa để mà uống rượu. Ta há thua kém người xưa, huống là ta có việc mừng…

Việc mừng! Anh em đưa mắt thầm hỏi nhau, không ai hiểu là việc gì, mọi người đều có vẻ lo ngại. Nhưng cái giống rượu, uống một chén, không thể không uống một chén khác nữa, và cứ thế cho đến khi túy lúy.

Nhờ trời nhờ Phật, anh em tửu lượng cũng khá. Càng uống mặt càng tái đi. Say khướt, mỗi người lăn mỗi ngả, duy có anh Huỳnh Cóc là tỉnh táo. Anh vẫn ngồi lặng hút xì-gà … với người platon. [c]

 

Lúc chúng tôi tỉnh dậy, thì ôi kỳ lạ! Thấy cửa nhà trống không, cả cái bàn khổng lồ mà tôi đương nằm cũng bay đi đâu mất.

Chúng tôi “khảo” anh Huỳnh Cóc, anh cười khà khà mà bảo rằng:

– Xe bò đã chở đi rồi! Các anh theo tôi tới “Hoàng Hạc Lâu” đi thôi!

Nghe ba chữ “Hoàng Hạc Lâu” chúng tôi giật mình tưởng như còn trong mộng, nhưng anh Huỳnh Cóc nhìn chúng tôi mà nói bằng một cái giọng quả quyết:

– Các anh sẽ đến ở một cái lầu nguy nga ở trên bờ hồ Trúc Bạch. Trên lầu quanh năm có con hạc vàng đậu, nó đậu từ lúc mặt trời mọc đến lúc 3 – 4 giờ sáng thì nó lại bay về ngàn. Con chim ấy, ngày xưa Dương Quý Phi bắn nó không chết, nó đớp lấy “tên” và giả lại cho Dương Quý Phi…

 

Chúng tôi cười ồ cả lên, quên cả giận. Chỉ có cái anh Ba (Ba Huy) ngớ ngẩn, hăng tiết cãi lại:

– Huỳnh Cóc “đại phét ngôn”! Chim gì mà sống được tự đời Dương Quý Phi đến bây giờ. Mà sao Huỳnh Cóc lại biết nó đã bị Dương Quý Phi bắn không chết. Con chim nó “nói” với anh à? Chim gì lại biết nói?

Mọi người lại cười rũ rượi, ôm anh Ba lên và tung hô: “Ba Huy nhà đại lý luận vạn vạn tuế!”

Anh Huỳnh Cóc cười mủm mỉm, bằng một cái giọng rất bình tĩnh đáp lời anh Ba:

– Nhưng nó có nói, anh Ba cũng không nghe được mà! Đến nỗi đi ra đường, tiếng còi ô tô kêu oang oác, anh Ba cũng không nghe lọt huống nữa là tiếng con hoàng hạc thỏ thẻ. Ai không tin, hãy theo tôi đến Hoàng Hạc Lâu!

Mọi người theo chân anh Huỳnh Cóc về nhà mới!

 

Nguồn: Hà-nội báo, H., s. 11 (18 Mars 1936), tr. 5 – 6.

Chú thích

[a]  báo đổi: giữa các báo với nhau có lệ trao đổi, báo này gửi báo mới ra cho báo kia và ngược lại.

[b]  chai Văn Điển: chai rượu trắng, do xưởng rượu nhà nước đặt ở Văn Điển sản xuất.

[c]  Planton (chữ Pháp): nhân viên chạy giấy.

III. HOÀNG HẠC LÂU

Quả anh Huỳnh Cóc không “phét ngôn” một tý nào! Cái lầu mà anh đã “tìm” ra được, cũng xứng với cái mỹ hiệu mà anh đặt cho nó: “Hoàng Hạc Lâu”.

Những khách qua đường đi hết phố Emille Nolly, [a] gần đến hồ Trúc Bạch, sẽ thấy có một cái nhà ba tầng sơn màu đỏ choét, ở trên chóp có một con hạc vàng bằng đá, chính là cái chỗ… sào huyệt của một bọn làm báo … bại trận!

Hoàng Hạc Lâu mỗi tháng 55$00, làm cốt để cho những người Pháp thuê. Trước bọn chúng tôi là một ông Cẩm, vừa mới dọn đi!

Anh Huỳnh Cóc dẫn chúng tôi xem qua một lượt, và giới thiệu với chúng tôi từng cái một:

– Đây là cái buồng ngày trước ông Cẩm nằm!

– Đây là cái chỗ ông Cẩm cạo râu!

– Đây là chỗ ông Cẩm hôn bà … Cẩm!

– Đây là chỗ ông Cẩm hóa!

– Đây là chỗ ông Cẩm … xổ.

Nghe nói đến ông Cẩm, ai cũng rởn tóc gáy. Nhà có… Cẩm ở, là nhà có … ma ở! Ông Cẩm thì khác ta cái gì, nếu hai làn râu mép của ông không xoắn ngược lên?

Hoàng Hạc Lâu cả thảy được 8 phòng. Mỗi người trấn mỗi cái, còn dư hai cái thì để làm buồng ăn và buồng khách.

Từ khi chúng tôi ở Hoàng Hạc Lâu, không biết tại sao, chúng tôi cảm thấy lạnh lùng như cô gái góa. Có lẽ vì buồng nào buồng nấy rộng thênh thang, mà đồ đạc chúng tôi thì không có gì. Buồn, buồn lắm! Không còn những cái giờ ấm áp ở phố Pottiers nữa. Giá tất cả chúng tôi đều nằm lại một buồng, đắp một chăn, đêm hôm nói chuyện gẫu thì vui biết chừng nào! Nhưng làm như thế thì dư 5 – 6 cái buồng không để làm gì? Chúng tôi bắt đầu cảm thấy sự thuê Hoàng Hạc Lâu là một sự hoang phí vô lý. Nhất là khi không thấy những các bạn đồng chí (cái chí làm báo) ở xa, chẳng cho hay tin mừng gì cả! Lâu lâu chúng tôi chỉ tiếp được một vài cái thư ở Vinh, ở Thanh, ở Thái gửi về, cái thì bảo rằng: chưa bán được ruộng, cái thì bảo rằng: chưa đòi được nợ, cái thì than rằng: ông bố tinh ranh lắm, chưa thể đánh lừa được! “Chưa” chứ không phải là “không”. Trừ một vài người ra, anh Lưu Thần, anh Vũ… tiến sĩ họ Thôi, anh Huỳnh Cóc, anh Ba Huy … vẫn tin rằng: ruộng sẽ bán được, nợ sẽ đòi được, cái ông cha khó tính kia sẽ bị đánh lừa được!

Rồi người mộng vẫn cứ … mộng.

Nhưng tháng ngày qua.

Tiền, theo với ngày tháng, cũng qua. Nếu chỉ có tiền nhà và tiền ăn không, thì 300$00 có lẽ không hết một cách nhanh thế! Nhưng còn có những cuộc “tổ chức” nữa! Lấy cớ rằng “rỗi” không có việc làm, cần phải tổ chức nên những cuộc “tổ chức” để lấy thêm khí lực, để dốc thêm máu nóng.

“Tổ chức” theo nghĩa nhà báo là những cuộc hành lạc ở xóm chị em. Ông Nguyễn Công Trứ không đập vỡ mấy cái trống thì làm gì có cái sự nghiệp ông đã có. Ta há không bắt chước cổ nhân sao?

 

Nguồn: Hà-nội báo, H., s. 12 (25 Mars 1936), tr. 4, 29.

Chú thích

[a]  Rue Émille Nolly: nay là phố Phạm Hồng Thái, Hà Nội.

IV. TRÊN MẶT HỒ TÂY

Tình cảnh chúng tôi lúc bấy giờ chẳng khác nào một toán binh bị vây thành: lương thực sắp cạn, mà nhuệ khí nhụt dần. Tôi nhìn lại anh em, đứa nào đứa nấy đã có vẻ chán nản, không còn yêu đời và yêu … gái và yêu .. báo như trước nữa! Nguyên nhân vẫn là tại nhà chưa bán được, ruộng chưa cầm được và nợ chưa đòi được. Bao nhiêu giấc mộng tan như những bọt xà-phòng!

Hết mộng, đời còn gì?

Hết tiền, đời còn gì?

Hết tình, đời còn gì?

Hết cả bao nhiêu thứ ấy, đời còn gì nữa? Đời còn một sự rỗng không lạnh lùng!

Ngày trước, lúc ăn cơm là lúc vui vẻ nhất ngày: anh em cười, nói, nô đùa chòng ghẹo nhau như một bọn quỷ sứ. Bây giờ ăn cơm là cái vạ. Từ đầu bữa đến cuối bữa không nói một tiếng, ăn chỉ cốt lấy no, ăn xong là đứng dậy ngay, cơm không chín cũng không buồn mắng đầy tớ!

Biết rằng buồn cũng không bổ ích gì, một hôm tôi nghĩ đến cách làm vui anh em! Trong cái túi sắp cạn của tôi, tôi trích ra một món tiền nhỏ để tổ chức một cuộc vui ở trên mặt Hồ Tây.

Chúng tôi vừa thuê vừa mượn cả thảy được 2 chiếc yacht. [a]  Sau khi mang theo đủ rượu, mực khô, cá hộp, bánh tây, chúng tôi cho yacht ra khơi, đùa với gió, đùa với nước, đùa với ánh nắng mặt trời. Cái buồn ủ rũ của chúng tôi như đã tan ra trong không khí. Chúng tôi cười nói huyên thuyên, rồi uống rượu, có đứa cao hứng xướng thơ để cho những đứa khác họa.

Những lúc bấy giờ tôi thấy cái lối “thơ mới” mà anh Lưu Thần thường binh vực, nó chẳng còn có nghĩa lý gì! “Thơ mới” đâu cho chúng tôi được cái thú vị rung đùi ngâm nga đắc chí như bây giờ? Cả anh Lưu Thần là người hay chửi cái lối xướng họa đó, cũng cùng với chúng tôi rung đùi mà có lẽ anh lại rung đùi mạnh hơn ai hết.

Rồi… Rồi hai chiếc yacht giả chúng tôi lại cho … Hoàng Hạc Lâu! Tôi chỉ lo cái buồn ủ rũ lại theo chúng tôi về Hoàng Hạc Lâu…

Quả vậy, sau cuộc vui, cái buồn càng thêm thấm thía, đó là cái “luật quân bình” mà anh Ba thường kinh nghiệm.

Khi lên khỏi yacht, chúng tôi đã bớt cười nói, dọc đường lại càng không thấy ai cười nói nữa! Rượu tỉnh, lại càng thêm chán nản! Tôi đã bắt đầu lo rằng: chuyến này, về nhà, chắc anh em thế nào cũng kiếm cách gây chuyện với nhau. Nhưng may ôi là may! Khi chúng tôi gõ cửa, thì thấy trong buồng tôi tiến ra lù lù một cục … hy vọng. Cục hy vọng ấy là anh Bửu Tuốt! Thấy cái lỗ mũi của anh nhúc nhích một cách có ý nghĩa, không hẹn nhau, trên mặt tất cả chúng tôi đều nở một nụ cười tươi như hoa. Vị phúc tinh đã đến. Bao nhiêu cái mộng của chúng tôi đều đứng dậy ở trong óc. Không biết anh sẽ đưa lại cho chúng tôi điều gì?

Nhưng cứ vui, cứ mộng, cứ hy vọng… là tốt rồi.

 

IV. ANH BỬU TUỐT

Anh Bửu Tuốt trước làm quản lý cho một hội buôn lớn, một độ làm thư ký cho phủ Toàn quyền, sau rốt làm thanh tra cho một hội bảo hiểm. Nhưng đó lại là chuyện khác.

Người anh lùn, mập, nhưng mà nhanh nhẹn. Anh có cái đặc tài là ăn 5 – 6 bát phở năm đi luôn mà vẫn như không. Cái phở lượng của anh làm cho anh giống Trạng Lợn, nhưng cái mũi của anh lại làm cho anh giống với … ông Tý (chuột). Buồn đến bực nào mà nhìn lên cái mũi chuột của anh nhúc nhích, thì không thể nào mà còn buồn được nữa. Người ta “nói” bằng lỗ miệng, anh Tuốt của chúng tôi “nói” bằng… lỗ mũi.

 

Nguồn:Hà-nội báo, H., s. 13 (1er  April 1936), tr. 16 – 17

Chú thích

[a]  Yacht (chữ Pháp): du thuyền

IV. ANH BỬU TUỐT (tiếp)

Thấy tôi, anh Bửu Tuốt vội vàng kéo tay tôi ra vỉa hè và ghé vào tai tôi nói nhỏ:

– Chuyến này thì hẳn là được rồi, mày ạ! Chắc chắn lắm rồi! Như một con chim đã nắm chặt trong tay, không còn bay đi đằng nào được! Món tiền non 2000$00 ấy, tao định mua “auto”, nhưng nay đã có auto của Sở, tao muốn cúng cho … báo! Thế người ta đã chịu nhường tờ Tiến Hóa [a] cho chúng mình chưa? Bằng lòng rồi chứ? Thế là yên! Bắt tay làm việc đi thôi. Còn đợi gì nữa?

 

– Nhưng…

– Nhưng làm sao, tao đã bảo mày đừng lo mà. Tao sẽ đứng quản lý hộ…

– Nhưng món tiền ấy, mày có mang theo đấy chứ?

Chẳng ngập ngừng chút nào, anh Bửu Tuốt trả lời phắt:

– Tao gửi ở dưới Sở, khi nào cần, tao sẽ xuống lấy. Ngày mai…..

– Chắc chắn chứ?

– Tao đã bảo mày là chắc chắn lắm mà!

Bấy giờ cái nụ cười vui sướng mới nở một cách hoàn toàn ở trên cặp môi tôi. Vội vàng, tôi nhóm tất cả anh em lại và báo cái tin mừng!

Bữa cơm hôm ấy, tôi tưởng là bữa cơm buồn tẻ nhất, nào hay lại trở nên vui vẻ nhất! Lại là một bữa cơm rất long trọng nữa! Chúng tôi còn tiếc gì mà không phung phí! Còn bao nhiêu tiền chúng tôi đều cạo ra mà “xài” cho hết. Hôm nay chính là cái hôm chúng tôi “chôn cất” một cách vui vẻ cái cuộc đời bông lông, cuộc đời chật vật, cuộc đời gió bụi.

Ngày mai, một cái mặt trời khác sẽ mọc ở Phương Đông. [b]

Ngày mai chúng tôi sẽ biến thành hoàng tử.

Ngày mai…, một cuộc đời khác, giàu sang…

Ngày mai!

Mà hôm nay, thôi tha hồ!

Hôm nay, chúng tôi đổ “bồ đào tửu” như nước, những điếu xì-gà chỉ hút một nửa là vứt…

Chúng tôi cười nói, nô đùa, ca hát để đợi cái ngày mai… tốt đẹp. Quả vậy, không chậm một phút nào, ngày mai đến với chúng tôi, đưa lại cho chúng tôi những điều ước nguyện, chỉ trừ một điều…, – điều ấy tôi chưa vội nói ở đây.

 

Trong lúc anh Tuốt xuống Sở, thì chúng tôi đua nhau làm việc rầm rộ như một tổ ong trong một ngày nắng mới.

Anh Ba Huy kiểm lại những bài thơ khóc sương khóc gió khóc tình khóc mộng của anh.

Anh Vũ … tiến sĩ họ Thôi, thơ thẩn ngồi hầu chuyện với bà Dương Quý Phi.

Anh Huỳnh Cóc nặn óc nhớ lại trong tuần lễ vừa qua xem đã xảy ra mấy việc quan trọng, và đã được bao nhiêu con chó … bị chẹt. [c]

Anh Lưu Thần thì thầm với “cô lái đò” trên sông Hương!

Anh planton soát lại các nhà đại lý.

Cả một tòa báo đã bắt đầu hoạt động.

Khi tôi đi hỏi giá in ở Trung Bắc [d]  về, thấy anh em hăng hái làm việc như thế, phần riêng tôi thấy … vui sướng lạ lùng. Nhưng, chưa kịp sướng thì đã phải tiu nghỉu ngay. Tôi có cảm giác như ở trên mây xanh rơi xuống đất bùn khi đọc cái thư anh Bửu Tuốt do một người planton đưa lại.

Bức thư ấy như vầy:

 

“Thưa anh em,

Tôi có việc cần phải về Thanh với ông giám đốc của Sở. Việc cần lắm nên không thể về qua dặn anh em. Nhưng anh em vẫn cứ tin ở nơi tôi. Cái món tiền ấy nếu bây giờ tôi cần phải mua auto, nhưng ít lâu, tôi sẽ lại có ngay, một lần nữa anh em hãy tin ở nơi tôi. – Tuốt”

 

Thế là con chim đã nắm chặt ở trong tay, cũng lại bay mất rồi.

Nguồn: Hà-nội báo, H., s. 15 (15 April 1936), tr. 16 – 17.

Chú thích

[a]  Tiến Hóa: tuần báo văn chương, trào phúng, do Đặng Đình Hùng làm giám đốc, Thao Thao làm quản lý; tòa soạn 45 Jules Ferry, Hà Nội; ra được 3 số: s. 1 (thứ ba, 30/7/1935), s. 2 (thứ năm, 8/8/1935), s. 3 (thứ năm, 15/8/1935) mỗi số 10 trang khổ A4 (hiện có lưu tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hà Nội). Sau đó, Lê Tràng Kiều mua lại giấy phép này, vì vậy, trên manchette Tiến Hóa ghi tên người sáng lập (Đặng Đình Hùng) bên trên tên chủ nhiệm (Lê Tràng Kiều).

[b]  Tác giả viết hoa “Phương Đông” có lẽ vì tên nhà xuất bản ông lập ra (năm 1936) là Nxb. Phương Đông, và nhóm văn học gồm Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, v.v… cũng mang tên nhóm Phương Đông.

[c]  Đây có thể là ý đùa cợt kiểu viết “tin chó chết” mà làng báo đương thời nêu ra để cảnh cáo lối làm báo ẩu đương thời.

[d]  Trung Bắc: tên nhà in của nhật báo Trung Bắc tân văn.

V. “MỘT TẤM CHÂN THÀNH”

                Nhưng không thể sốngtrong cõi mộng, sống một cách nên thơ như thế được mãi, một hôm chúng tôi giải tán. Con “hoàng hạc” bay về trời. Anh Ba Huy về chờ thời ở nhà quê, anh Huỳnh Cóc đi đào mỏ (hiểu theo cả nghĩa trắng và nghĩa đen) ở trên thượng du, anh Vũ (tiến sĩ họ Thôi) ra Móng Cáy. Cái mộng làm báo vỡ như … nồi súp-de! Anh em đi mỗi người một ngả, không có một mảnh thư hỏi thăm nhau. Với một ít tiền, tôi và anh Lưu Thần về thuê một căn nhà nhỏ ở Ngã Tư Sở. Đêm đến chúng tôi viết những chuyện ma quỷ rùng rợn, chuyện “con đười ươi”, chuyện “đảng tịch lâm”, chuyện “con tinh què”, chuyện “Huyền không động”, v.v…

Những buổi chiều, hai anh em ra đứng ở gốc cây đại, nhìn ra xóm mạc xa xa, mấy làn khói lam lưởng vưởng ở trên những mái nhà gianh. Buồn rười rượi! Nhưng cũng lại … mộng rồi!

 

Một hôm không hẹn mà nên, cả hai chúng tôi cùng bồi hồi, bâng khuâng, cùng nhớ đến một cái gì, nhớ đến một cách tha thiết như nhớ một người tình nhân! Chúng tôi nhớ cái nghề báo. Phải, cái nghề báo tai nghiệt làm cho chúng tôi trăm chiều điêu đứng. Cả hai chúng tôi trở về Hà Nội với một bầu máu nóng.

 

Chúng tôi trọ ở một cái hotel gần gare. Lúc bấy giờ trong lưng chúng tôi chỉ còn có 20$00. Chết sống, chúng tôi cũng định quyết liệt một keo cuối cùng rồi ngã thì ngã.

Chúng tôi thương lượng lấy lại tờ Tiến Hóa của ông Đ.Đ.H. Ông này được cái tốt bụng, nhường lại cho chúng tôi mà không buộc một điều kiện gì!

Với 20$00, chúng tôi định ra chủ trương tờ Tiến Hóa. Các bạn không tin? Phải, các bạn tin làm sao được. Nhưng sự thật là khi chúng tôi bắt tay vào việc, chúng tôi chỉ có một số tiền chừng ấy thôi. Nhưng chí đã quyết, không vì một lẽ gì mà lùi.

Suốt một đêm trường, từ 11 giờ đến 3 giờ sáng, sau khi ăn hết mấy bát phở, chúng tôi cùng bàn tính mãi, và lấy bút mực ra viết bài “Kính cáo quốc dân”, bài ấy sau đổi là “Một tấm chân thành”. [a]

Hai anh em đánh trần ra ngồi viết như người ta bửa gỗ. “Một tấm chân thành” chỉ là những lời tha thiết hằng đến trong trí chúng tôi. Những ý tưởng của chúng tôi phơi bầy có khi nóng nẩy, nhưng đó cũng là một cách trả thù cho cái cuộc đời trôi nổi của mình bấy lâu nay. Chúng tôi là những người trẻ tuổi, chúng tôi thấy có điều đáng nói mà không nói, thì chẳng hóa ra mình dối mình và dối người lắm à.

Viết xong bài “Một tấm chân thành”, hai anh em cùng đọc lại. Đọc xong, chúng tôi cùng ngồi im lặng trong một phút dài…

Nhất định chứ?

Nhất định.

Chúng tôi không nói thêm gì nữa. Chúng tôi nhất là cái cứ bàn đi bàn lại rồi để hỏng bao nhiêu việc…

Trong một phút nghiêm trọng ấy, chúng tôi vạch “con đường đi” cho tờ báo Tiến Hóa sau này.

Nguồn: Hà-nội báo, H., s. 16 (22 April 1936), tr. 18 – 19.

Chú thích

[a]  “Một tấm chân thành” là bài chính in trong số ra mắt Tiến Hóa, trong đó người chủ trương báo này trình bày quan niệm về sự thành thực khi biết chính quyền bãi bỏ sở kiểm duyệt, nhưng điều đó đã đưa đến việc tờ Tân Thiếu Niên của mình bị đóng cửa. Ngoài ra, số Tiến Hóa ra mắt còn có các bài luận “Tiến Hóa, một cơ quan mới của Tân Thiếu Niên”,  “Quan niệm văn học của chúng tôi”, “Muốn thổi được đám đông, ông Phạm Quỳnh điều hòa” (của P.T.), và thơ “Nàng về” (của Lưu Trọng Lư). Sau đó, Tiến Hóa ra số 1 (16/11/1935), số 2 (23/11/1935), số 3 (30/11/1935); sau số 3, Tiến Hóa bị cấm. Liền đó, nhóm nhà văn này bước sang làm tờ tuần san Hà Nội báo.

 

V. “MỘT TẤM CHÂN THÀNH” (tiếp)

Sáng hôm sau, chúng tôi mang xuống nhà in “Trung Bắc tân văn” bài “Một tấm chân thành” để cho in ngay. Chúng tôi cho in hai vạn tờ để biếu không các độc giả. Làm báo không một đồng xu, mà chỉ nghĩ đến sự biếu không, âu đó cũng là một cách làm việc của chúng tôi vậy.

Hai vạn “tấm chân thành” chúng tôi phát ra lung tung, đầy đường đầy sá, nhưng các bạn biết cho rằng: nhà in vẫn không quen hay biếu không. Với 20.000 “tấm chân thành” đó, họ tính cho chúng tôi với cái giá vỏn vẹn 80$00. Lúc mới ra, lưng vốn chúng tôi chỉ có 20$00 mà phải trả tiền nhà in những bốn lần nhiều hơn như thế, thế mà chúng tôi trả xong xuôi cả, ở trong hoặc giả có Giời, Phật phù hộ chăng?

Trả được 80$00 một bận, ấy là một phép lạ đối với chúng tôi lúc bấy giờ!

Dẫu sau này chúng tôi có đổi qua kiếp khác nữa, chúng tôi cũng khó lòng quên được mấy chục bạc đầu tiên ấy, mấy chục bạc tự những “tấm chân thành” chạy tới với chúng tôi…

Tôi còn nhớ một hôm anh Lưu Thần và tôi đương ngồi suy tính đường kia nỗi nọ (suy tính việc gì chắc các ngài cũng có thể đoán được ngay!) thì người facteur [a] đưa lại cho chúng tôi một cái thư, chúng tôi cầm thấy nằng nặng (chúng tôi tưởng tượng vậy chứ thực ra có nặng gì đâu!) bóc ra xem…

 

Một cái mandat! [b] Phải, một cái mandat. Chính là một cái mandat. Trăm phần trăm là một cái mandat. Nghìn phần nghìn là một cái mandat! Một cái mandat 40$00. Một cái mandat tự ở một biên thùy xa lạ đi về.

Cái mandat của một bạn quen, một bạn xa, một bạn gái, một bạn… giá không có cái mandat ấy thì chúng tôi đã không còn nhớ nữa! Ôi tình đời bạc bẽo! Mà chúng tôi cũng phải bạc bẽo như tình đời. Người bạn quen ấy nếu không có cái mandat ấy, thì chúng tôi, khi chép chuyện này, cũng không buồn nhắc lại một lần đến người ấy!

Ôi bạc bẽo thay tình đời, mà đồng tiền nó có thể làm cho tình đời không bạc bẽo! Xin thú thật, cái mandat  ấy làm cho chúng tôi cảm động vô ngần, nhất là khi đọc xong bức thư, bức thư chỉ vắn tắt mấy hàng rất thành thực mà tha thiết. Chúng tôi còn nhớ trong thư có câu rằng:

“Chúng tôi gửi biếu nhà báo một món tiền nhỏ này, để nhà báo dùng vào việc … mua băng quấn cho tờ báo”

Không, người bạn của chúng tôi lầm! Món tiền của bạn không phải nhỏ! Món tiền của bạn không phải chỉ dùng vào việc mua băng quấn báo. Món tiền của bạn là cả sinh mệnh của tờ báo chúng tôi vậy.

Với món tiền ấy, và một ít nữa, chúng tôi giật ở nơi khác, chúng tôi đã thu xếp xong với nhà in về khoản… hai vạn “tấm chân thành”.

Nhưng còn tiền nhà tiền cửa, tiền ăn tiền uống, tiền tem, nhất là tiền tem, chúng tôi đào đâu ra? Ngoảnh đi ngoảnh lại chúng tôi chỉ còn trông vào nhà, vào các bạn, nghĩa là những chỗ … bấp bông, không còn thể trông vào được nữa.

Trong Truyện Kiều có câu:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu

 

Lúc bấy giờ anh Lưu Thần tức cảnh cũng có câu:

Cũng liều trơ mắt đưa chân,

Xem tờ “Tiến hóa” xoay vần tới mô?

(CÒN NỮA) [c]

 

Chú thích

[a]  Facteur (chữ Pháp): người phát thư.

[b]  Mandat (chữ Pháp): thư chuyển tiền.

[c]  Tuy ghi là “còn nữa” nhưng từ sau số 19 này cho đến khi Hanoi báo bị đóng cửa (sau số 55, ngày 20/1/1937), không thấy bài này của Lê Tràng Kiều  được đăng tiếp.

Nguồn: Hà-nội báo, H., s. 19 (13 Mai 1936), tr. 16 – 17.

Advertisement