Cách đây 10 tháng về trước, tôi có cơ hội tranh luận với Phan tiên sinh về vấn đề duy tâm hay duy vật. Trên mặt lý thuyết ông Phan và tôi có chỗ không đồng ý nhau, thì nay đến sự quan sát một cái hiện trạng về xã hội, Phan tiên sinh và tôi lại có chỗ bất đồng ý kiến nữa. Tôi muốn nói: Phan tiên sinh cho lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến, trái lại, tôi quả quyết rằng: nước ta có chế độ phong kiến, chế độ phong kiến chẳng những có từ xưa mà cái hình thức và cái tinh thần của nó vẫn cứ dây dưa mãi đến bây giờ.
Cái chiến địa của ông và tôi đã rạch ròi ra đó, bây giờ chúng ta hãy tái chiến.
Phan tiên sinh giải thích chữ phong kiến như vầy: “Thuở trước, các bực bá giả khi chinh phục và thống nhứt được một nước rồi, lên ngôi vua, tự xưng là thiên tử, và phong cho các con, em, cháu, mỗi người một phần đất bởi trong nước ấy chia ra, cũng làm vua, mà gọi là chư hầu: ấy tức là cái chế độ phong kiến bắt đầu có.”
Cái điều kiện căn bản của chế độ phong kiến, theo ý ông là: các nước chư hầu cai trị dân mình hưởng huê lợi (tức là thuế) nhưng mỗi năm phải nạp cống phú cho thiên tử.
Căn cứ theo cách giải thích ấy, ông bèn giở tập sử Tàu ra, ông kể nào Đường, Hạ, Thương, Ngu, suốt hai ngàn năm phong kiến, đến nhà Tần thì bỏ phép ấy. Còn sử Nam ta, ông quyết một quyết hai không có cái chế độ ấy. Từ đời Hùng Vương cho đến triều Nguyễn bây giờ, dầu có ông thân vương hoặc công hầu được tước phong hoặc lãnh thái địa, nhưng vẫn không có quyền cai trị dân chúng trong thái địa mình thì vẫn không có thể vin vào đó mà cho nước ta cũng có chế độ phong kiến như ở Nhật, ở Tàu, ở Tây được.
Theo ý ông, cái điều kiện căn bản của chế độ phong kiến là “cai trị dân chúng trong thái địa”, nếu không có cái quyền ấy thì cái chế độ phong kiến không thể có được.
Ông Phan lại cười khéo bọn xã hội học An Nam, làm sao lại nhắm mắt mà nói liều rằng “người mình chịu áp bức dưới chế độ phong kiến” mà kỳ thật “câu chuyện nước ta vốn không có mà bịa ra nói có, rồi cứ theo đó mà kiếm câu kết luận trong mây mù khói ngút, không thể ai kiểm soát lại được”.
Nhưng ông Phan lại khéo phòng hậu một câu: “Trừ ra hai chữ phong kiến có nghĩa gì khác mà người viết bài này chưa hiểu thì thôi, bằng chỉ có một nghĩa đã giải trên kia thì nó chẳng có dịp nào dùng mà chỉ một cách tổ chức về chính trị trong nước này về thời quá vãng hết”. Câu phòng hậu ấy đối với người biết xem văn, người ta có thể cười khéo ông là nhát gan, vì đã đề khởi ra một cái ý cứng cỏi, lại còn kiếm cách tháo hậu. Nếu tôi tưởng không sai, thì chẳng qua ông khéo dùng mánh lới để phòng khi có ai đứng ra cãi ông, ông sẽ đưa câu ấy ra chận đường rồi cả tiếng mà nói: “Các anh cãi sai rồi, tôi chỉ nói về mặt tổ chức chính trị thôi, chớ còn mặt khác, tôi hoặc không hiểu, hoặc hiểu mà không muốn nói tới”. Nhưng Phan tiên sinh ạ, tôi thiết tưởng trong khi kết luận một vấn đề gì, thì trước nhất phải xét cho được nhiều phương diện trong vấn đề ấy đã, từ cái nhỏ cho đến cái lớn, không nên bỏ sót một cái nào, thì câu kết luận mới chắc có phần đúng. Nay ông giải thích chế độ phong kiến mà ông chỉ căn cứ có một cách tổ chức về chánh trị, rồi ông đâm ra câu kết luận: An Nam không có chế độ phong kiến, thời bảo sao nó không sai bét. Phan tiên sinh ơi, cô Lô-git, người tình nhân cuối mùa của tiên sinh, phiền tiên sinh lắm đấy!
I. Về mặt chính trị, chế độ phong kiến vẫn có trong lịch sử nước ta
Ví thử tôi đứng về phương diện ông Phan Khôi, tôi cũng có thể nói, nước ta cũng có chế độ phong kiến được. Tôi không hiểu, Phan tiên sinh khi viết một vấn đề quan hệ như thế có cần tra cứu sử sách cho kỹ càng chăng? Chớ cứ mở sử ta ra mà xem thì chế độ phong kiến có sờ sờ ra đó mà ông Phan nói không mới lạ cho chớ.
Tôi không thể đưa ra đây hết thảy những chứng cớ trong sử, tôi chỉ lọc lại đôi cái quan hệ thôi:
1. Theo nhà sử học C. Patris thì chính trị nước Văn Lang đời xưa vẫn như chế độ phong kiến Âu Châu hồi trung cổ. (Au temp le plus lointain, l’ état politique de Van-Lang est vraisemblablement celui d’ une Féodalité assez semblable à celle de l’ Europe occidental au Moyen âge. – Xem quyển Essai d’ histoire d’ Annam: Antiquité et le haut Moyen âge, p. 28-30).
Ông Patris nói như thế không phải là không có phần đúng. Vì theo sử thì bên nước Văn Lang có những nước như nước Thục, vua Phu Đao nước Ai Lao vẫn là chư hầu và triều cống nước Văn Lang cả.
2. Năm 187-226, Sĩ Nhiếp được vua Tàu phong Long Độ đình hầu, qua cai trị dân Giao Chỉ, tự thâu lấy thuế mà ăn, hang năm chỉ theo lệ công hiến.
Năm 972, Tàu lại phong cho Đinh Tiên Hoàng Giao Chỉ Quận vương, hàng năm phải triều cống. Lệ ấy các vua ta về sau cứ vẫn giữ mãi.
Như thế là về mặt chính trị ta đối với Tàu là phong kiến rồi chứ gì nữa?
Hồi Hậu Lê, triều đình thì ở đất Thăng Long mà vẫn cứ phong cho ông Nguyễn Hoàng tước Đoan Quận công vào trấn Thuận Hóa, tự thâu lấy thuế và cai trị dân, chỉ mỗi năm phải nạp 400 cân bạc và 500 tấm lụa. Vua Lê lại phong cho Mạc Kính Doanh tước Thống Quốc công giữ đất Cao Bằng, cũng thâu thuế cai trị dân, hàng năm cống hiến. Còn từ Thanh Hóa trở ra thì một mình Trịnh Tùng lãnh đến tước Bình An vương cai trị dân, bắt dân đi lính, và nạp thuế.
Trước những cái tình thế tổ chức chính trị như vậy, dầu nhà viết sử không chua chữ “phong kiến” vào, nhưng thử hỏi Phan tiên sinh, cứ lấy cái giải thích của tiên sinh làm bằng, thì tiên sinh sắp nó vào chế độ nào đấy nhỉ?
Nhưng Phan tiên sinh ạ, tôi không phải là nhà sử học chuyên môn, vả lại sử ta không được minh bạch lắm, nên tôi không muốn dùng những cái chứng cớ trong lịch sử vừa kể trên để làm những cái luận chứng chắc chắn mà giao chiến với ông.
Tôi chú ý đem đại đội quân tranh đấu với ông ở chỗ này: Ông giải thích về phong kiến mà chỉ nói đến mặt chính trị mà không nói đến mặt kinh tế và xã hội. Ông cho có cai trị dân trong thái địa mới có phong kiến thì thật lầm quá. Cái điều kiện cai trị dân trong những thái địa chỉ là điều kiện phụ thuộc thôi.
II. Nước ta có thể có chế độ phong kiến không?
Ông Vico, thủy tổ về triết lý của sử học cho rằng: các dân tộc trên thế giới đều tiến hóa trên một con đường nhất định. Mã Khắc Tư tán đồng cái ý kiến ấy, lại viết thêm:
“Các dân tộc đồng trải qua những điều kiện sinh sản giống nhau, về mặt kinh tế in nhau, thì về mặt tổ chức chính trị hay xã hội đều, dầu trước hay sau, cũng trải qua một con đường cả.” (Cái vấn đề này Hải Vân và tôi có viết một bài dài đề là “Con đường tiến hóa của xã hội” gởi cho P.N.T.V. nhưng không thấy đăng). Vậy thì nền kinh tế của Nhật, của Tàu, của Tây hồi xưa có chỗ giống nhau, nên các nước ấy đều trải qua chế độ phong kiến hết thảy. Do đó ta có thể nói rằng: Nếu An Nam về mặt kinh tế có chỗ giống Tàu, Nhật, Tây thì về mặt tổ chức chính trị hay xã hội cũng có thể trải qua con đường phong kiến như Tàu, Nhật, Tây vậy chớ sao?
Nền kinh tế gì đã sanh ra chế độ phong kiến và nền kinh tế ấy có ở trong lịch sử An Nam không? Trả lời hai câu hỏi ấy tức là đánh bạt cái lập luận của Phan tiên sinh vậy.
III. Điều kiện tất yếu của chế độ phong kiến?
Bao giờ trong xã hội có một cái quần chúng nông nô (serf) lãnh đất ruộng của một ông điền chủ về làm, rồi đem cái phần hoa lợi trong thửa ruộng mình lãnh đó để trả lại cho địa chủ, hoặc một cách khác, lãnh đất ruộng về làm rồi tự thân mình hay vợ con mình phải đến làm cho nhà chủ ruộng, hoặc cày đất của chủ ruộng để bù lại cái đất lãnh, hoặc một cách khác nữa là lãnh đất rồi trả bằng tiền, bao giờ cái thể thức điền chế ấy mà hãy còn là còn có phong kiến.
Vì nền kinh tế như trên là thuộc về chế độ nông nô (servage), mà chế độ nông nô là nền móng của chế độ phong kiến. Không có cách sinh sản của bọn nông nô thì không bao giờ có những hạng công, hầu, bá, tử, nam, v.v. lãnh thái địa mà trị dân hay thâu hoa lợi.
Chúng ta có thể nói tắt: Có nông nô tất có phong kiến. Về mặt chính trị dầu từng ông địa chủ một trực tiếp cai trị dân chúng trong thái địa của mình, hay tập quyền về nhà vua, chỉ là một nhà địa chủ lớn hơn cả, thì về mặt tánh chất của chế độ phong kiến không có gì thay đổi cả.
Cũng như chế độ tư bản, dầu có mang danh là dân chủ như Mỹ, Pháp hay quân chủ như ở Anh, ở Nhật, chế độ tư bản vẫn không thay đổi gì về tánh chất cả. Đến đây chúng ta đã đủ lý mà bác ngay cái ý của ông Phan: có cai trị mới có phong kiến. Cai trị dân chúng chỉ là một điều kiện phụ thuộc thôi, dầu có hay không cũng chưa kể lắm, cốt nhứt có nền kinh tế nông nô đã, mà nước ta vốn có nền kinh tế nông nô thật!
IV. Nước Nam ta có chế độ nông nô không?
Câu trả lời thứ nhất đã xong rồi, bây giờ ta qua câu hỏi thứ hai. Nước Nam ta có chế độ nông nô không? Tôi thiết tưởng nếu Phan tiên sinh là người thật thà thì cũng phải nhận như tôi rằng: “có”. Phan tiên sinh cũng chứng nhận rằng các ông thân vương, các ông công thần hồi xưa, vẫn có nhiều thái địa, có lộc điền hay tư điền, kể hàng mấy chục trăm mẫu, trong mỗi thái địa kể hàng trăm con người ta lãnh đất làm, đầu tắt mặt tối vừa đủ để nuôi một ngày hai bữa, còn bao nhiêu về chủ điền thâu hết.
Hồi Nguyễn Vương (tức là vua Gia Long), hãy còn ở Gia Định cắt đất ra từng khu một, rồi bắt dân ở các nơi đến làm, gọi là “tốt điền”. Cứ mỗi mùa, ruộng đồng bằng thì phải nạp 100 cơ mà ruộng núi thì nạp 70 cơ (1 cơ: 42 bát). Đó là một cái chứng của chế độ phong kiến mà trong lịch sử vẫn có chép.
Tôi còn nhớ năm xưa tôi ở trong Nam, có lần giả trang làm anh nhà quê đi mướn ruộng của một điền chủ nọ ở Mỹ Tho, bà ấy bắt tôi phải, ngoài điều kiện mướn ruộng ra, còn phải đi một năm hai lần: một quả nếp, một cặp vịt, hai chai mật ong, lại phải 15 ngày công lễ. Cái nếp, vịt, mật ong, là một phần trong cái địa tô bằng hoa lợi (rente en nature), còn 15 ngày công lễ hoa tức là một phần trong cái địa tô bằng lao động (rente en travail). Đó là những hình thức của chế độ phong kiến tự tôi thấy một cách rõ ràng.
Ngày nay trong chỗ rẫy bái, đồn điền, tuy về mặt tổ chức, cách thâu địa tô có khác nhau: như “lãnh ruộng đong lương”, nghĩa là đến mùa sẽ đong lúa lại cho nhà chủ, hoặc là “cấy rẽ”, nghĩa là mướn công canh, điền khí của chủ cày ruộng mình rồi lại quay qua cày ruộng của chủ; hoặc cách khác là làm contra như ở các đồn điền đều là những cái thể thức của chế độ nông nô, mà nông nô còn thì phong kiến hẳn còn, không thể chối cãi vào đâu được.
Phong kiến còn thì nước ta có bị áp bức bởi nó không? Câu ấy là một câu ngoài vấn đề mà tôi không muốn bàn tới; tôi chỉ ngán cho ông Phan Khôi chưa xét đầu đuôi mà đã nói ngay câu “Người mình không bị chế độ phong kiến áp bức”.
HẢI TRIỀU
Nguồn:
Công luận, Sài Gòn, s. ? (2&3.1.1935).
[Rút từ sách Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, Nguyễn Ngọc Thiện sưu tầm, Nguyễn Ngọc Thiện, Cao Kim Lan biên soạn, Hà Nội, Nxb. Lao động, 2001, t. I, tr. 934-941]
Ghi chú: theo ghi chép của tôi (LNA) khi đọc báo Công luận thì bài này của Hải Triều còn có phụ đề (sur-titre): “Trả lời bài của ông Phan Khôi…”; số báo Công luận đăng bài này là số 6727, ra ngày 30.12.1934&1.1.1935). Trước bài này, báo Công luận đăng một loạt bài tranh luận với Phan Khôi: Nguyễn Văn Thới (Ông Phan Khôi lầm chăng: Việt Nam cũng có chế độ phong kiến, CL. s.6706, ngày 4.12.1934); Phan Văn Hùm (Phong kiến là gì? CL. s. 6715, ngày 12.12.1934; liên tục đến s.6725, ngày 28.12.1934).