Lý do buổi seminar của Cà-phê Thứ Bảy, 3A Ngô Quyền, Hà Nội, 01/7/2017
— nhân 130 năm sinh Phan Khôi (6/10/1887)
— Phan Khôi vừa được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh là danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại (thế kỷ XX)
Tôi đã từng trình bày ở Cà-phê thứ bảy (trong năm 2016) về không gian dân sự cho việc tìm đường sống của Phan Khôi (một nho sinh lỡ vận trong khoa cử cũ).
Hôm nay sẽ dành nói đoạn đường thành danh của Phan Khôi trong không gian dư luận những năm 1920s-40s; chú ý một trong các đề tài Phan Khôi theo đuổi: luận bàn về di sản Khổng giáo ở VN.
Khảo sát đề tài Phan Khôi và Khổng giáo (Nho giáo), có 2 điểm cần chú trọng:
1/ Phan Khôi hình thành nhân cách trong môi trường Nho học và Nho giáo (ông nội và cha đều là nho sĩ đỗ đạt, làm quan triều Nguyễn; bản thân được học chữ Hán từ 6 tuổi, được nhiều người xung quanh khen về tầm hiểu biết); nhưng con đường tiến thân dừng ngay lại sau lúc đỗ Tú tài (1906); tham gia Duy tân rồi bị bắt và bị tù, bị tước khử bằng Tú tài (1908, đến 1923 mới được cấp lại); tức là bị tước quyền đi thi. Vậy con đường tiến thân trong Nho học bị cắt ngang. Buộc phải tìm đường khác.
2/ Lớn lên ở thời mà làn sóng “tân thư” từ Trung Hoa và Nhật Bản lôi cuốn sự tìm tòi cái mới của giới sĩ phu Việt, bản thân Phan Khôi cũng chăm chú tìm đọc tân thư, dần dần nhận ra tính ưu việt của nguồn tri thức Âu-Mỹ so với văn minh Á Đông của mình. Ý nguyện canh tân xứ sở đi kèm với việc truy nguyên nguồn gây ra sự trì trệ của xứ sở. Và Phan Khôi thấy một trong những căn cốt là ảnh hưởng của Nho giáo.
MÔ TẢ TIẾN TRÌNH CÁC BÀI VIẾT VỀ NHO GIÁO CỦA PHAN KHÔI:
— Phan Khôi viết báo, có bài đăng báo từ 1917
— Bài chữ Hán “Luận Nam quốc bách niên lai học thuật chi biến thiên cập hiện thời chi cải lương phương pháp” ký Chương Dân, đăng Nam Phong chữ Hán s. 5 (th. 11/1917) và s. 6 (th. 12/1917) có bàn về Khổng giáo không? Nhờ các chuyên gia Hán-Nôm dịch và thông báo lại.
— Ở phần viết báo chữ Việt, bài viết sớm nhất về Nho giáo có thể là bài trên Hữu Thanh 1924. “Học thuyết về đạo đức của Khổng Phu Tử”, 2 kỳ
— 1928 trở lại viết báo tại Sài Gòn, nhưng trong năm 1928 chỉ bàn chung về so sánh văn hóa, tư tưởng Đông – Tây, khẳng định các xã hội phương Đông phải cải cách theo mô hình phương Tây.
— Đầu 1929 viết gửi lai cảo “Quần Báo” chữ Hán tại Chợ Lớn bài “Chánh trị gia khẩu đầu chi Khổng Tử”, nêu trạng thái ngập ngừng tôn Khổng/đả Khổng ở Trung Hoa đương thời, nhân đó nêu yêu cầu thảo luận về di sản Khổng giáo ở phương Đông, cả Trung hoa lẫn Việt Nam.
— Cuối năm 1929 viết và đưa đăng loạt 21 kỳ “Cái ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta”, gây được chú ý nhất định ở các giới có quan tâm chuyện học vấn.
— Đầu 1930 nhân cuốn “Nho giáo” của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu, Phan Khôi viết giới thiệu, sau đó có thảo luận với Trần Trọng Kim, gây tranh luận trong giới học giả về Nho học và các vấn đề liên quan (chuyện học phiệt), nhiều học giả lên tiếng (Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng, Trịnh Đình Rư, Hoành Sơn, v.v.)
— Năm 1931-32 viết nhiều bài về các vấn đề liên quan đến di sản Nho giáo, như hôn nhân gia đình, thái độ đối với phụ nữ, thanh niên, người đi học, v.v.; chú ý tìm hiểu và thông tin việc giới đại học ở Pháp và châu Âu nghiên cứu tư tưởng văn hóa Đông Á ra sao.
— Những năm 1934-40, Phan Khôi viết cho nhiều báo khác nhau, đề tài Nho giáo được đề cập ở khía cạnh chỉ ra các đặc điểm của giới nhà nho: thiếu khoan dung, thủ cựu, thù địch với chất sống tươi mới, nhất là thù địch với dân chủ; đó là giới chỉ gắn với quá khứ quân chủ.
— Sau 1945: ít thấy Phan Khôi viết về Nho giáo, hầu như chỉ đề cập khi viết về Truyện Kiều (1955), nhắc lại những nhận định về Nho giáo của chính mình trước 1945.
MỘT SỐ ĐIỂM CHÍNH TRONG TIẾP CẬN KHỔNG GIÁO Ở PHAN KHÔI:
— Tự xác định là học giả bình dân, không phải học giả hàn lâm; chữ Dân 民 trong bút danh Chương Dân 章民, tự xưng “tôi là viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng”. Tiếp cận cả từ chỗ đứng bên trong (với tư cách môn đồ cũ của Khổng học), cả từ thế đứng bên ngoài (người tự do, không phải môn đồ để không phải kính cẩn đến mức không dám nêu những nhận xét bị coi là phạm thượng, không bị coi là vong sư bội đạo).
1/ Nho giáo là học thuyết hay là tôn giáo?
a/ Phan Khôi khẳng định, trước hết Khổng giáo là học thuyết,
— học thuyết về một loạt phạm trù đạo đức, đứng đầu là “nhân”, tương quan với một loạt phạm trù khác: “trung”, “thứ”, “kính”, “lễ”, “trí”, “dũng”, “hiếu”, “nghĩa”…
— Khổng giáo mặc định trong loài người có hai loại: tiểu nhân, quân tử. Quân tử là hạng có khả năng tiếp nhận những hiểu biết, những chuẩn về phẩm chất và hành vi, tự rèn luyện, bồi bổ để có thể làm được những việc lớn trong cuộc đời. Tiểu nhân không có khả năng như thế, chỉ có thể bị/được sai khiến, ban phát…
— Khổng giáo cho rằng trật tự xã hội phải được cai quản bởi quân quyền (làm thế nào để xác định quân quyền thuộc về ai, Khổng giáo không chỉ ra được, bởi thấy có thể do truyền thừa, hoặc do nổi lên dung bạo lực cướp lấy, do đó Khổng giáo không bàn về nguồn gốc quyền lực, không bàn về sự hợp đạo lý hay trái đạo lý của quyền lực một vị quân chủ cụ thể, chỉ thừa nhận như một mặc định sẵn có, dù ngẫu nhiên mấy cũng mặc)
— Khổng giáo cho rằng một xã hội có thể có trật tự, phong hóa tốt, nếu vị quân chủ biết dùng những người quản lý có đủ những phẩm chất và năng lực nhất định; từ đây, Nho giáo đề xuất các vị quân chủ nên sử dụng người quân tử theo hình mẫu do Nho giáo đào tạo vào bộ máy quản lý, cai trị theo cách khuyến dụ và nêu gương, tóm lại là dùng “nhân trị”.
b/ Cơ chế đưa mẫu người quân tử (của Nho giáo) làm đội ngũ quản trị xã hội cho các vị quân vương, đã biến Nho giáo từ học thuyết thành tôn giáo.
Phan Khôi vạch rõ, Nho giáo đã được thể chế hóa vào cấu trúc chế độ quân chủ. “Trong Khổng giáo không có đặt riêng ra người cầm quyền chủ giáo như Giáo hoàng của đạo Thiên Chúa; mà ông vua tức là người chủ giáo đó, vì ông vua là chức “Quân” mà thêm cả chức “Sư”. Bởi vậy, người trong nước theo Khổng giáo, làm tín đồ Khổng Tử, đã đành, nhưng trong sự theo ấy lại còn phải ở dưới quyền vua nữa.” (Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, [kỳ 4], Thần chung, S.G., s. 218, ngày 9.10.1929).
Nho học (Khổng học) là nơi đào tạo các môn đồ – các nhà nho – theo mẫu hình người “quân tử”, có trách nhiệm phò tá, trợ giúp vị giáo chủ ( = ông vua) cai quản dân chúng ở đất nước mình. Chế độ quân chủ Đông Á (Trung Hoa, Việt Nam) lựa chọn quan chức chủ yếu từ giới nhà nho, thông qua các kỳ thi Nho học.
Nho giáo chính là học thuyết biện hộ chế độ quân chủ chuyên chế. Phan Khôi đã nhận ra đặc điểm vừa khác biệt lại vừa tương đồng của Đông Á thời trung đại dưới các nền chuyên chế Nho giáo so với châu Âu trung đại dưới sự cai trị của nền quân chủ thần quyền theo Thiên Chúa giáo. Vai trò nhà nho trong xã hội theo Nho giáo cũng tương tự vai trò các giáo sĩ trong các nhà nước thần quyền Thiên Chúa giáo trung đại. Bằng hiểu biết và bằng trải nghiệm cá nhân, Phan Khôi khẳng định thuộc tính của nhà nho, sản phẩm của Khổng giáo, là: nhà nho bao giờ cũng thờ phụng chế độ quân chủ, và nhà nho không bao giờ đứng về phía dân chủ!
2/ Sự thâm nhập sâu xa của Nho giáo vào xã hội Đông Á, vào xã hội Việt Nam.
— Ý thức hệ Khổng giáo, từ Trung Hoa truyền vào nước ta thời kỳ bị nội thuộc, trở thành công cụ của chế độ quân chủ chuyên chế ngoại bang, và sau đó, của chế độ quân chủ chuyên chế độc lập, tạo ra con người chức năng, con người công cụ, trói buộc con người vào chế độ quân chủ bằng những quy phạm đạo đức hà khắc.
— Xã hội nam quyền, trọng nam khinh nữ, với những quy phạm và định kiến phi nhân, được Nho giáo bênh vực và hợp pháp hoa, ví dụ chuẩn mực chữ “trinh” của Tống nho, hoặc những tập quán về chế độ đại gia đình đã hình thành dưới ảnh hưởng Khổng giáo, theo đó người gia trưởng có quyền áp chế các thành viên là con cháu, người mẹ chồng được quyền áp chế nàng dâu, gây ra vô vàn thảm kịch không đáng có.
3/ Hóa giải các ảnh hưởng của Nho giáo ra sao khi xã hội Đông Á bước sang thời hiện đại?
— Chủ nghĩa thực dân đã vô hiệu hóa một số ảnh hưởng quan trọng của Nho giáo (quyền quân chủ bị lệ thuộc, bị đặt dưới sự bảo hộ của chính quyền thực dân, tình trạng một đất nước hai chính quyền đem lại những khoảng tự do bất ngờ cho người dân, giảm thiểu gánh nặng làm thần dân của họ, có “một cổ hai tròng” cả theo chiều thuận lẫn chiều nghịch, trừ khử nhau; nền học Nho bị thay bằng nền học Pháp-Việt, kiến thức Nho giáo bị thay bằng lượng tri thức về tự nhiên, xã hội tương tự nhà trường Âu Mỹ; xuất hiện cả trường nữ học là thứ không thể có trong hệ trường Nho học; một số cải cách, cải lương hương chính động chạm tới quyền của các thế lực tay chân quân quyền, thế lực gia trưởng. v.v.)
— Nhưng còn vô số ảnh hưởng sâu xa của Khổng giáo vẫn chưa bị động tới, nhưng sẽ cản trở xã hội bước sang thời hiện đại, ví dụ cấu trúc đại gia đình cản trở sự phát triển con người cá nhân, bất bình đẳng về giới cũng vậy, trong khi xã hội hiện đại hóa cần giải phóng con người cá nhân để có lao động, có các chủ thể cho kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
— Phan Khôi trên thực tế đề xuất một loạt giải pháp “hóa giải” ảnh hưởng Nho giáo, gồm:
+ lý giải lại một loạt quan hệ con người từ xã hội cổ sang hiện đại, vận dụng hiểu biết về Khổng giáo thời đầu, tố giác và bác bỏ các tư tưởng Nho gia của thời Hán, Tống, nhất là ảnh hưởng Tống nho.
+ biến di sản Khổng giáo thành đối tượng nghiên cứu lịch sử tư tưởng văn hóa
+ chủ trương kế tục một số tư tưởng và truyền thống Nho giáo trong đào luyện nhân cách, chú ý vai trò Nho giáo đối với việc tu thân của cá nhân.
KẾT LUẬN