Trang chủ » Tác giả » Bản dịch của Phan Khôi: CHỦ NGHĨA MÁC VỀ NGÔN NGỮ HỌC

Bản dịch của Phan Khôi: CHỦ NGHĨA MÁC VỀ NGÔN NGỮ HỌC

Start here

CHỦ NGHĨA MÁC VỀ NGÔN NGỮ HỌC

XIT-TA-LIN

Phan Khôi dịch theo bản dịch bằng chữ Trung Hoa

Có một số đồng chí trẻ yêu cầu tôi phát biểu ý kiến trên báo về vấn đề ngôn ngữ học, nhất là ý kiến về vấn đề chủ nghĩa Mác về ngôn ngữ học. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, cố nhiên tôi không thể làm thỏa mãn hoàn toàn sự yêu cầu của các đồng chí ấy; song cái vấn đề chủ nghĩa Mác về ngôn ngữ học cũng như về các khoa học xã hội khác, nó đối với tôi có quan hệ trực tiếp, cho nên tôi vui lòng trả lời mấy câu hỏi các đồng chí ấy đã đề ra.

HỎI: Có người nói, ngôn ngữ là thượng tằng kiến trúc của cơ sở kinh tế, nói thế có đúng không?

ĐÁP: Không phải thế, không đúng.

Cơ sở là chế độ kinh tế của xã hội khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nào đó. Thượng tằng kiến trúc là những quan điểm xã hội đối với chính trị, pháp luật, tôn giáo, mỹ thuật,[a] triết học cho đến những chế độ về chính trị, pháp luật v.v… thích hợp với quan điểm ấy.

Mỗi một cơ sở kinh tế đều có thượng tằng kiến trúc riêng thích hợp với nó. Cơ sở của chế độ phong kiến có cái thượng tằng kiến trúc của chính mình nó, có những quan điểm về pháp luật, chính trị v.v… của chính mình nó cho đến những chế độ thích hợp với quan điểm ấy; cơ sở của chủ nghĩa tư bản có cái thượng tằng kiến trúc của chính mình nó; cơ sở của chủ nghĩa xã hội cũng có cái thượng tằng kiến trúc của chính mình nó. Khi một cơ sở biến hóa và bị tiêu diệt thì thượng tằng kiến trúc cũng biến hóa và bị tiêu diệt theo; khi sản sinh một cơ sở mới thì cũng theo đó mà sản sinh một thượng tằng kiến trúc mới thích hợp với cơ sở mới.

Về phương diện này, ngôn ngữ với thượng tằng kiến trúc không giống nhau tận gốc. Hãy xem xã hội nước Nga và ngôn ngữ nước Nga thì biết. Ba mươi năm gần nay, ở Nga, đã tiêu diệt cái cơ sở cũ của chủ nghĩa tư bản, kiến thiết cái cơ sở mới của chủ nghĩa xã hội. Cùng một lúc ấy cũng tiêu diệt cái thượng tằng kiến trúc của chủ nghĩa tư bản, và kiến thiết cái thượng tằng kiến trúc mới thích hợp với chủ nghĩa xã hội. Thế nghĩa là, những chế độ chính trị, pháp luật cũ đã bị những chế độ mới của chủ nghĩa xã hội thay thế cho. Nhưng dù thế nào mặc, ngôn ngữ nước Nga, về cơ bản, vẫn y nguyên như hồi Cách mạng tháng Mười về trước.

Ở trong thời kỳ ấy, ngôn ngữ Nga có sinh ra sự biến hóa nào chăng? Có, từ vị(1) của ngôn ngữ Nga đã có sự biến hóa đến một chừng mực nào, nghĩa là, bởi đã nẩy ra cách sinh sản [b] mới của chủ nghĩa xã hội, xuất hiện ra quốc gia mới, văn hóa mới của chủ nghĩa xã hội, tinh thần xã hội mới, đạo đức mới, và bởi sự phát triển về kỹ thuật và khoa học, làm cho tăng gia một mớ từ và ngữ (2) mới; lại có bao nhiêu từ và ngữ đổi ý nghĩa đi, hiểu bằng một ý nghĩa mới; lại có bao nhiêu từ cũ không còn có trong từ vị nữa, đến như từ vị cơ bản và cách cấu tạo ngữ pháp của ngôn ngữ Nga là cái gây nền móng của ngôn ngữ thì, sau khi tiêu diệt cái cơ sở của chủ nghĩa tư bản rồi, chẳng những nó không bị tiêu diệt và bị từ vị cơ bản mới, cách cấu tạo ngữ pháp mới thay thế, mà trái lại, chúng nó đều được bảo tồn nguyên vẹn, chưa hề có sự biến hóa nghiêm trọng nào, nghĩa là còn giữ lại làm thành cái nền móng của ngôn ngữ Nga hiện đại.

Lại còn, thượng tằng kiến trúc bởi hạ tằng cơ sở mà sản sinh ra, nói thế không phải là nói thượng tằng kiến trúc chỉ là phản ảnh cơ sở, chỉ là tiêu cực bất can, nguội lạnh đối với vận mạng của cơ sở, đối với vận mạng của giai cấp, đối với tính chất chế độ của chính mình nó. Trái lại, sau khi thượng tằng kiến trúc xuất hiện rồi, nó bèn thành ra một lực lượng tích cực rất lớn, giúp một cách tích cực cho cơ sở thành hình và kiên cố, dùng mọi cách giúp cho chế độ mới để trừ tận gốc và tiêu diệt cơ sở cũ và giai cấp cũ.

Chẳng như thế thì cũng chẳng có thể được. Cái cơ sở sở dĩ gây dựng nên cái thượng tằng kiến trúc của chính mình nó là vì để cái thượng tằng kiến trúc phục vụ cho nó, để cái thượng tằng kiến trúc tích cực giúp nó thành hình và kiên cố hơn lên, để cái thượng tằng kiến trúc đấu tranh cách tích cực làm cho tiêu diệt hẳn cái cơ sở cũ cùng với thượng tằng kiến trúc của nó là cái đã quá thời rồi. Chỉ khi nào thượng tằng kiến trúc không chịu đóng vai tuồng phục vụ cho cơ sở, chỉ khi nào thượng tằng kiến trúc từ cái lập trường tích cực bảo vệ cho cơ sở mình chạy sang cái lập trường nguội lạnh đối với cơ sở mình, chạy sang cái lập trường coi các giai cấp như nhau, thì khi đó nó sẽ mất cái bản chất của nó đi, và không còn là thượng tằng kiến trúc nữa.

Về phương diện này, là chỗ ngôn ngữ với thượng tằng kiến trúc không giống nhau tận gốc. Ngôn ngữ không sản sinh bởi một cơ sở nào, này hoặc kia, cũ hoặc mới từ nội bộ của một xã hội, mà sản sinh bởi trên con đường tiến triển của toàn bộ lịch sử xã hội và toàn bộ lịch sử cơ sở hàng ngàn hàng trăm năm nay. Ngôn ngữ không phải bởi một giai cấp nào sáng tạo ra, mà là cả xã hội, mà là cả các giai cấp trong xã hội, dồn hàng trăm thế hệ đã nỗ lực ra mà sáng tạo. Ngôn ngữ được sáng tạo ra không phải để thỏa mãn sự cần dùng cho một giai cấp nào, mà để thỏa mãn sự cân dùng cho cả xã hội, cho hết thảy các giai cấp trong xã hội. Chính vì thế mà ngôn ngữ đã được sáng tạo ra là ngôn ngữ của toàn dân, nó đối với xã hội là thống nhất, đối với tổ thành viên của toàn thể xã hội là cộng đồng. Vì thế, ngôn ngữ là một thứ công cụ dùng để phục vụ cho sự giao tế giữa mọi người, không để phục vụ cho một giai cấp này làm tổn hại một giai cấp khác mà là phục vụ cho cả xã hội, phục vụ cho hết thảy các giai cấp trong xã hội bằng cách coi ai như nấy. Đó cũng là cái lẽ tại sao mà ngôn ngữ có thể phục vụ bằng cách coi ai như nấy, đã phục vụ cho cái chế độ cũ hầu hết lại phục vụ cho cái chế độ mới đương lên; có thể đã phục vụ cho cơ sở cũ, lại phục vụ cho cơ sở mới; có thể đã phục vụ cho kẻ bóc lột, lại phục vụ cho kẻ bị bóc lột.

Ai cũng biết rằng ngôn ngữ nước Nga từ cách mạng tháng Mười về trước đã phục vụ cho chủ nghĩa tư bản của xã hội Nga và cho văn hóa của giai cấp tư sản Nga, với bây giờ, nó đương phục vụ cho chế độ chủ nghĩa xã hội và văn hóa chủ nghĩa xã hội đều được việc như nhau cả.

Các thứ ngôn ngữ U-cơ-ren, Bạch Nga, U-béc, Ka-dắc, Giê-óc-gi, Ác-mê-ni, Ét-tô-ni, Lát-vi, Li-tu-a-ni, Môn-đa-vi, Tác-ta, A-déc-bai-gian, Bát-kia, Tuya-men, cho đến các thứ ngôn ngữ khác trong các dân tộc Liên Xô đều có thể nói chung rằng nó đã phục vụ rất được việc cho cái chế độ giai cấp tư sản cũ của các dân tộc ấy, nó cũng lại đang phục vụ rất được việc cho cái chế độ chủ nghĩa xã hội mới của các dân tộc ấy nữa.

Chẳng như thế thì cũng chẳng có thể được. Sự tồn tại của ngôn ngữ và sự sáng tạo ngôn ngữ chính để dùng làm công cụ giao tế giữa mọi người và phục vụ cho cả xã hội, chính để làm thành một vật cộng đồng đối với tất cả tổ-thành-viên [c] xã hội, làm thành một vật thống nhất đối với xã hội. Nó phải phục vụ cho tổ-thành-viên xã hội ai cũng như nấy mà không phân biệt địa vị giai cấp của những tổ-thành-viên ấy ra sao. Chỉ khi nào ngôn ngữ lìa bỏ cái lập trường toàn dân ấy, chỉ khi nào ngôn ngữ đứng lệch trên một lập trường, thiên vị và phù trì một tập đoàn xã hội nọ mà làm tổn hại những tập đoàn xã hội khác thì nó sẽ mất cái bản chất của chính mình, nó sẽ không còn làm công cụ giao tế giữa mọi người trong xã hội nữa, nó sẽ biến làm thứ tiếng lóng của một tập đoàn xã hội nọ mà thoái hóa hẳn đi, cuối cùng đến tiêu diệt đi.

Về phương diện này, ngôn ngữ và thượng tằng kiến trúc có sự khác nhau về nguyên tắc, song với công cụ sinh sản lại thường khác nhau. Ví như các đồ máy móc, đã phục vụ cho chế độ chủ nghĩa tư bản, cũng phục vụ cho chế độ chủ nghĩa xã hội.

Lại nữa, thượng tằng kiến trúc là sản vật của một thời đại mà trong đó cái cơ sở kinh tế của nó đương tồn tại và đương hoạt động. Vì đó, cái sinh mệnh của thượng tằng kiến trúc không lâu dài được, nó phải bị phá hủy và tiêu diệt cùng với sự phá hủy và tiêu diệt của cái cơ sở ấy.

Đến như ngôn ngữ, trái lại, nó là sản vật của bao nhiêu thời đại, trong bao nhiêu thời đại ấy, nó thành hình hơn lên, phong phú hơn lên, phát triển hơn lên, tinh luyện hơn lên. Cho nên sinh mệnh của ngôn ngữ phải tuyệt đối lâu dài hơn sinh mệnh của bất cứ một cơ sở nào, một thượng tằng kiến trúc nào. Ấy là cái lẽ vì sao mà, chẳng những trải qua sự sản sinh và tiêu diệt của một cái cơ sở cùng với thượng tằng kiến trúc của nó cũng không thể làm cho trên lịch sử tiêu diệt mất một thứ ngôn ngữ, tiêu diệt mất cách kết cấu ngôn ngữ, và sản sinh ra thứ ngôn ngữ mới có đủ từ vị mới và cách cấu tạo ngữ pháp mới.

Từ Pút-kin (3) qua đời đến nay có hơn một trăm năm rồi. Trong thời kỳ ấy, ở nước Nga đã từng tiêu diệt chế độ phong kiến, chế độ tư bản, và sản sinh ra chế độ thứ ba, chế độ chủ nghĩa xã hội, nghĩa là đã từng tiêu diệt hai cái cơ sở cùng với thượng tằng kiến trúc mới của nó, nhưng mà trong thời kỳ dài ấy, ngôn ngữ Nga tịnh không hề phát sinh ra sự phá hoại nào, vả lại ngôn ngữ Nga ngày nay, nói về cách kết cấu của nó, có khác rất ít với ngôn ngữ của Pút-kin.

Trong thời kỳ ấy, ngôn ngữ Nga đã phát sinh ra sự biến hóa gì? Trong thời kỳ ấy, ngôn ngữ Nga đã thêm rất nhiều từ vị, có một số lớn những từ cũ bị loại ra khỏi từ vị, có một số lớn những từ mà ý nghĩa nó thay đổi đi, và cách cấu tạo ngữ pháp của ngôn ngữ được cải tiến. Đến như cách kết cấu ngôn ngữ, cách cấu tạo ngữ pháp của ngôn ngữ và từ vị cơ bản của Pút-kin thì hầu như bảo tồn nguyên vẹn, làm nền móng của ngôn ngữ Nga hiện đại.

Đó là điều tất nhiên phải thế. Giá như sau mỗi một lần cách mạng, đều đem những cách kết cấu ngôn ngữ, cách cấu tạo ngữ pháp của nó cùng từ vị cơ bản mà tiêu diệt đi như là tiêu diệt thượng tằng kiến trúc và gây ra những cái mới để thay vào, thì có là cần thiết gì đâu? Ví dụ: những tiếng như “nước”, “đất”, “núi”, “rừng”, “cá”, “người”, “đi đường”, “làm việc”, “sinh sản”, “buôn bán”, v.v.(4), không gọi bằng “nước”, “đất”, “núi”, v.v. mà gọi bằng những tên khác, thì có là cần thiết gì đâu? Về sự biến hóa của từ trong ngôn ngữ, về sự tổ hợp của từ trong câu nói, không chiểu theo ngữ pháp hiện hữu mà lại chiểu theo một thứ ngữ pháp khác, thì có là cần thiết gì đâu? Sự cải cách ngôn ngữ dường ấy đối với cuộc cách mạng có ích gì? Theo lịch sử, khi không có một sự tất yếu đặc biệt nào, quyết nhiên không thể làm một việc cải cách quan trọng nào cả. Xin hỏi, nếu đã chứng tỏ rằng thứ ngôn ngữ hiện hữu cùng cách kết cấu nó, về cơ bản, có thể thích dụng hoàn toàn để thỏa mãn sự nhu cầu của chế độ mới, thì sự cải cách ngôn ngữ dường ấy có là cần thiết gì đâu? Sự tiêu diệt thượng tằng kiến trúc cũ và thay bằng thượng tằng kiến trúc mới, có thể vả lại cần phải hoàn thành trong một vài năm, hầu làm cho sức sinh sản của xã hội được tự do phát triển; nhưng mà trong một vài năm muốn tiêu diệt thứ ngôn ngữ hiện hữu, gây dựng một thứ ngôn ngữ mới thay vào, thì chẳng là có thể gây ra cái trạng thái vô chính phủ trong cuộc sinh hoạt xã hội và làm cho xã hội có cái nguy cơ tan rã sao? Nếu không phải Đông-Ki-sốt thì có ai lại chịu chác lấy cho mình cái nhiệm vụ ấy?

Sau hết, thượng tằng kiến trúc và ngôn ngữ còn có một sự khác nhau tận gốc nữa: Thượng tằng kiến trúc và sinh sản và hành vi sinh sản không có liên hệ trực tiếp với nhau. Thượng tằng kiến trúc chỉ là trải qua trung gian của kinh tế, trung gian của cơ sở mà liên hệ với sinh sản cách gián tiếp; bởi đó thượng tằng kiến trúc không phản ánh trực tiếp, không phản ánh tức khắc những sự thay đổi của sức sinh sản phát triển theo mực thủy bình, mà là sau khi cơ sở thay đổi rồi, nó mới lồng qua ánh sáng gẫy [d] của mọi sự thay đổi trong sinh sản, lồng qua mới sự thay đổi trong cơ sở mà phản ánh. Thế nghĩa là, cái phạm vi hoạt động của thượng tằng kiến trúc là chật hẹp và có chừng mực.

Đến như ngôn ngữ, trái lại, là liên hệ trực tiếp với hành vi sinh sản của người ta, vả lại chẳng những với hành vi sinh sản, mà còn liên hệ trực tiếp với hết thảy những hành vi khác ở mọi phương diện công tác (từ sinh sản đến cơ sở, từ cơ sở đến thượng tằng kiến trúc) của người ta nữa; bởi đó ngôn ngữ phản ánh trực tiếp phản ánh tức khắc những sự thay đổi trong sinh sản, mà không đợi cơ sở thay đổi; cho nên cái phạm vi hoạt động của ngôn ngữ là bao quát tất cả mọi phương diện hành vi của người ta, đối với phạm vi hoạt động của thượng tằng kiến trúc nó rộng hơn nhiều lắm, phức tạp hơn nhiều lắm, vả lại cái phạm vi hoạt động của nó còn là không có chừng mực nữa kia.

Điều đó trước tiên cắt nghĩa tại sao ngôn ngữ, chủ yếu là phần từ vị của nó, cứ ở trong cái trạng thái hầu như liên miên thay đổi. Công nghệ và nông nghiệp cứ phát triển mãi, nghề buôn bán và nghề vận tải cứ phát triển mãi, kỹ thuật và khoa học cứ phát triển mãi, chúng nó đòi hỏi ngôn ngữ phải đem những từ mới, những ngữ mới cần dùng trong công tác làm đầy đủ từ vị của chúng nó; và ngôn ngữ cũng phản ánh những cần dùng ấy cách trực tiếp bèn đem những từ mới làm đầy đủ từ vị của chính mình và cải tiến cách cấu tạo ngữ pháp của chính mình.

Nói tóm lại:

a/ Người mác-xít không thể nhận cho ngôn ngữ là một thượng tằng kiến trúc ở trên cơ sở;

b/ Lẫn ngôn ngữ với thượng tằng kiến trúc làm một, ấy là phạm một sai lầm lớn.

***

HỎI: Có người nói, ngôn ngữ từ xưa cho đến nay cũng vẫn là có tính giai cấp; hễ đã là thứ ngôn ngữ cộng đồng thống nhất của xã hội thì không phải là ngôn ngữ phi giai cấp, ngôn ngữ của toàn dân, nói thế có đúng không?

ĐÁP: Không phải thế, không đúng.

Một điều rất dễ hiểu là, ở trong một xã hội không có giai cấp thì dứt khoát không có thứ ngôn ngữ goi là có tính giai cấp. Xã hội cộng sản thị tộc nguyên thủy không hề có giai cấp, vì đó quyết không thể có thứ ngôn ngữ giai cấp lúc ấy, ngôn ngữ đối với mỗi một tập đoàn của hết thảy mọi người là cộng đồng, là thống nhất. Có người phản đối, nói rằng không cứ một tập đoàn nhân loại, kể cả tập đoàn cộng sản nguyên thủy nữa, hết thảy đều có giai cấp, lời nói ấy không kể được là phản đối, mà chỉ là chơi chữ, không đáng bẻ bác.

Nói về sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ, từ ngôn ngữ thị tộc đến ngôn ngữ bộ lạc, từ ngôn ngữ bộ lạc đến ngôn ngữ bộ tộc, từ ngôn ngữ bộ tộc đến ngôn ngữ dân tộc, trong cả các giai đoạn ấy, ngôn ngữ dùng làm công cụ giao tế giữa mọi người trong xã hội, đối với cả xã hội là thống nhất, là cộng đồng và phục vụ cho mọi tổ-thành-viên xã hội ai cũng như nấy, mà không phân biệt địa vị xã hội của họ là thế nào.

Ở đây không phải tôi nói về thời đại nô lệ và các đế quốc của thời đại trung thế kỷ, như các đế quốc được dựng lên bởi Sy-tuýt, A-léc-xan Đại đế, Xê-da, Sác-lơ Đại đế, các đế quốc ấy chưa hề có cơ sở kinh tế của chính mình mà là những liên hiệp quân sự hành chính tạm thời, không vững chãi. Những đế quốc ấy chẳng những chưa từng có mà lại cũng không thể có thứ ngôn ngữ thống nhất của cả cái đế quốc, thứ ngôn ngữ mà hết thảy mọi tổ-thành-viên đế quốc đều hiểu được. Những đế quốc ấy là một tập-hiệp-thể gồm những bộ lạc và bộ tộc, mỗi một có cách sinh hoạt riêng, mỗi một có ngôn ngữ riêng. Vì đó, không phải tôi nói về những đế quốc ấy hay những đế quốc giống như thế, mà tôi nói về những bộ lạc và bộ tộc là tổ-thành-viên của những đế quốc ấy, những bộ lạc và bộ tộc này đều có cơ sở kinh tế của chính mình, đều có ngôn ngữ đã thành hình lâu rồi của chính mình. Lịch sử bảo cho chúng ta biết rằng ngôn ngữ của những bộ lạc và bộ tộc ấy chẳng phải có tính giai cấp mà có tính toàn dân, đối với mỗi bộ tộc mỗi bộ lạc là ngôn ngữ cộng đồng, ai ai cũng hiểu.

Cố nhiên, ngoài ngôn ngữ ra, còn có phương ngôn thổ ngữ, nhưng thứ ngôn ngữ thống nhất và cộng đồng đối với bộ lạc và bộ tộc thì chiếm lấy cái địa vị thống trị và làm cho những phương ngôn thổ ngữ ấy phục tùng nó.

Về sau, chủ nghĩa tư bản ra đời, tiêu diệt cuộc cát cứ của phong kiến, tổ chức nên thị trường dân tộc, rồi thì bộ tộc biến làm dân tộc và ngôn ngữ của bộ tộc biến làm ngôn ngữ của dân tộc. Lịch sử bảo cho ta biết rằng ngôn ngữ của dân tộc không phải có tính giai cấp, mà có tính toàn dân, là thứ ngôn ngữ đối với tổ-thành-viên dân tộc là cộng đồng đối với cả dân tộc là thống nhất.

Như trên đã nói, ngôn ngữ dùng làm công cụ giao tế giữa xã hội cho mọi người thì nó phục vụ cho hết thảy mọi giai cấp của xã hội cũng thế. Về phương diện này, ngôn ngữ tỏ ra rằng nó đối với các giai cấp trong xã hội vẫn coi ai như nấy, nhưng giữa mọi người, từng tập đoàn xã hội riêng rẽ, từng giai cấp riêng rẽ, lại không nguội lạnh đối với ngôn ngữ đâu. Họ hết sức muốn lợi dụng ngôn ngữ phục vụ cho lợi ích chính mình, họ đem những từ vị đặc biệt, thuật ngữ (5) đặc biệt, thành ngữ đặc biệt của chính mình họ mà thêm càn vào trong ngôn ngữ. Về phương diện này, những từng lớp trên của giai cấp hữu sản là kẻ lìa bỏ nhân dân, thù ghét nhân dân như bọn quý tộc, bọn ở từng lớp trên của giai cấp tư sản, biểu hiện ra càng lợi hại lắm. Họ “sáng tạo” những tiếng quen dùng, tiếng lóng, tiếng lịch sự của giai cấp họ (6), trong ít nhiều thứ trứ thuật họ thường nhận lầm những tiếng quen dùng, những tiếng lóng ấy làm ngôn ngữ, như nói “ngôn ngữ quý tộc”, “ngôn ngữ giai cấp tư sản” –  mà đối lập với nó là “ngôn ngữ giai cấp tư sản”[e] hay là “ngôn ngữ nông dân”. Rất đáng lấy làm lạ là có ít nhiều đồng chí lại lấy đó làm căn cứ mà kết luận rằng không có ngôn ngữ nào là ngôn ngữ dân tộc, sự thực chỉ có ngôn ngữ giai cấp thôi.

Tôi tưởng kết luận như thế là hết sức sai lầm. Có thể nhận cho những tiếng quen dùng, những tiếng lóng ấy làm ngôn ngữ không? Rất không có thể được. Một là vì những tiếng quen dùng, những tiếng lóng ấy tự nó không có cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản mà phải mượn của ngôn ngữ dân tộc; hai là vì những tiếng quen dùng và tiếng lóng ấy chỉ thông dụng trong một phạm vi chật hẹp giữa bọn ở từng lớp trên của một giai cấp nào đó, hoàn toàn không dùng làm công cụ giao tế giữa mọi người trong cả xã hội được. Ở trong những tiếng quen dùng và tiếng lóng ấy có những gì? Chỉ có một số từ đặc biệt có thú vị riêng cho bọn ở từng lớp trên của giai cấp quý tộc hoặc tư sản, một số thành ngữ và từ cú (7) có vẻ nhã nhặn kiểu cách đặc biệt và tránh những thành ngữ và từ cú “quê kệch” trong ngôn ngữ dân tộc; nhưng hầu hết những từ và cách cấu tạo ngữ pháp đều mượn ở trong ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ của toàn dân, và ngoài ra còn có ít nhiều tiếng ngoại quốc xen vào(8). Cho nên, những tiếng địa phương, tiếng quen dùng, tiếng lóng chỉ là nhánh nhóc của ngôn ngữ dân tộc, chung cho toàn dân, không thành ra ngôn ngữ độc lập được vả lại nhất định không thể nào phát triển được. Nếu cho rằng tiếng địa phương, tiếng quen dùng và tiếng lóng có thể phát triển thành ra ngôn ngữ dân tộc và thay thế cho ngôn ngữ dân tộc, ấy là bít con đường tương lai của lịch sử và rời bỏ lập trường của chủ nghĩa Mác.

Có người dẫn lời của Mác trong bài “Saint Max” nói rằng bọn hữu sản có “ngôn ngữ của chính mình họ”, thứ ngôn ngữ ấy “là sản vật của giai cấp hữu sản”, thứ ngôn ngữ ấy chứa đầy đầu óc tham tiền và tinh thần con buôn. Có một số đồng chí toan lợi dụng sự dẫn chứng ấy để chứng tỏ rằng hình như Mác đã chủ trương ngôn ngữ có tính giai cấp, hình như Mác đã phủ nhận sự tồn tại của ngôn ngữ dân tộc thống nhất. Nếu như những đồng chí ấy biết lập luận một cách khách quan thì họ phải dẫn chứng một câu khác của Mác cùng trong bài ấy, khi Mác nói về bước đường thành hình của ngôn ngữ dân tộc thống nhất có nói rằng: “Những tiếng địa phương, tiếng quen dùng tập trung lại làm thành ngôn ngữ dân tộc thống nhất là do sự tập trung của kinh tế và chính trị quyết định”.

Thế đủ biết Mác thừa nhận rằng phải có ngôn ngữ dân tộc thống nhất làm hình thức tối cao, nó bắt những tiếng địa phương, tiếng quen dùng là hình thức thấp kém phục tùng chính mình nó.

Vậy thì, cái câu Mác nói rằng “ngôn ngữ của bọn hữu sản là sản vật của giai cấp tư sản” có nghĩa gì? Có phải nhận cho rằng thứ ngôn ngữ ấy cũng giống như ngôn ngữ dân tộc có cách kết cấu đặc biệt của chính mình nó chăng? Mác có thể hiểu vấn đề như vậy không? Thật là không thể. Mác chỉ muốn nói rằng bọn hữu sản đem những tiếng quen dùng kiểu con buôn của chính mình vào làm dơ bẩn ngôn ngữ dân tộc thống nhất, nghĩa là bọn hữu sản chỉ có những tiếng lóng kiểu con buôn của họ.

Thế đủ thấy rằng những đồng chí đó đã hiểu cong quẹo lập trường của Mác, mà sở dĩ họ có sự hiểu cong quẹo ấy là tại họ không lấy thái độ người mác-xít để dẫn chứng Mác mà lại lấy thái độ con mọt sách chỉ trông mặt chữ không cần hiểu đến nơi để dẫn chứng Mác.

Lại có người dẫn chứng lời Ăng-ghen nói trong sách “Tình hình giai cấp công nhân nước Anh” rằng: “Giai cấp công nhân nước Anh dần dần biến thành một thứ người khác hẳn với giai cấp tư sản nước Anh, không giống giai cấp tư sản, công nhân họ nói một thứ tiếng riêng, có một thứ tư tưởng, quan niệm, phong tục và nguyên tắc đạo đức riêng, có một thứ tông giáo và chính trị riêng”.

Có một số đồng chí căn cứ lời nói ấy, rồi kết luận rằng Ăng-ghen phủ nhận sự cần thiết của ngôn ngữ dân tộc, nghĩa là Ăng-ghen cũng chủ trương ngôn ngữ “có tính giai cấp”. Thực ra thì ở chỗ đó Ăng-ghen không nói về ngôn ngữ mà nói về tiếng địa phương và tiếng quen dùng, cố nhiên ông hiểu rằng tiếng địa phương và tiếng quen dùng là nhánh nhóc của ngôn ngữ dân tộc, không có thể nào thay thế cho ngôn ngữ dân tộc được. Nhưng mà những đồng chí ấy không chịu hiểu ngôn ngữ với tiếng địa phương và tiếng quen dùng có khác nhau như thế nào.

Rõ ràng là sự dẫn dụng một đoạn văn đó không được xác đáng, bởi vì ở đó Ăng-ghen không nói về “ngôn ngữ có tính giai cấp” mà cốt nói những tư tưởng, quan niệm, phong tục, nguyên tắc đạo đức, tông giáo và chính trị của giai cấp. Những tư tưởng, quan niệm, phong tục, nguyên tắc đạo đức, tông giáo và chính trị của bọn hữu sản và của bọn vô sản là đối lập nhau cách tuyệt đối, điều đó rất đúng. Nhưng cái đó với ngôn ngữ dân tộc hay “tính giai cấp” của ngôn ngữ có quan hệ gì đâu? Có thể nào vin lấy sự tồn tại của giai cấp đối lập trong xã hội làm luận chứng để binh vực cho ngôn ngữ là có “tính giai cấp”? hay phản đối sự cần thiết của ngôn ngữ dân tộc thống nhất? Chủ nghĩa Mác nói rằng cái tính cộng đồng của ngôn ngữ là một tiêu chí rất trọng yếu của dân tộc, đồng thời nó vẫn biết rằng trong nội bộ dân tộc có mâu thuẫn giai cấp, các đồng chí đó có thừa nhận cái lý thuyết này của chủ nghĩa Mác chăng?

Có người còn dẫn chứng lời của La-phác(9), nói rằng La-phác ở trong tập sách nhỏ “Ngôn ngữ và cách mạng”(10) đã thừa nhận ngôn ngữ “có tính giai cấp”, hình như cũng phủ nhận sự cần thiết của ngôn ngữ dân tộc toàn dân. Điều đó không đúng. La-phác quả có nói về “ngôn ngữ quý tộc” và “tiếng lóng của các tầng lớp xã hội, nhưng các đồng chí đó quên rằng không phải La-phác thảo luận về vấn đề ngôn ngữ và tiếng lóng khác nhau, có khi ông gọi tiếng quen dùng là “tiếng bịa đặt” có khi gọi là “tiếng lóng”(11). Ở trong tập sách nhỏ ấy ông nói hẳn rằng: “Thứ tiếng bịa đặt mà bọn quý tộc ưa dùng là lấy ở trong ngôn ngữ toàn dân ra, ngôn ngữ toàn dân là tiếng mà từ người hữu sản đến người thủ công, từ người thành thị đến người nhà quê đều dùng để nói”.

Thế đủ thấy rằng La-phác vẫn thừa nhận sự tồn tại và cần thiết của ngôn ngữ toàn dân, ông thừa hiểu rằng “ngôn ngữ quý tộc” và những tiếng quen dùng, tiếng lóng đều phụ thuộc và phục tùng ngôn ngữ toàn dân vậy.

Thế đủ thấy rằng sự dẫn chứng lời nói của La-phác là không đạt được mục đích gì cả.

Có người nói, có một thời kỳ trong mấy trăm năm, vua chúa phong kiến nước Anh nói “tiếng nước Pháp” mà trong lúc ấy người dân nước Anh lại cứ nói tiếng nước Anh, cái sự thực ấy hình như có thể làm luận chứng để binh vực cho ngôn ngữ “có tính giai cấp” và để phản đối sự cần thiết của ngôn ngữ toàn dân. Nhưng đó không phải một luận chứng mà chỉ là một truyện nói đùa. Một là, người nói tiếng Pháp lúc ấy không phải hết thảy vua chúa trong kiến mà là một số ít ở tầng lớp trên giữa bọn vua chúa phong kiến nói trong cung quốc vương và trong phủ quý tộc; hai là, không phải bọn họ nói một thứ ngôn ngữ “giai cấp” nào mà chỉ nói tiếng nước Pháp phổ thông của toàn dân; ba là, ai nấy đều biết rằng cái thói ưa nói tiếng Pháp đó về sau hoàn toàn mất đi mà nhường chỗ cho tiếng nói của toàn dân nước Anh. Có phải các đồng chí ấy nhận cho rằng trong thời kỳ mấy trăm năm đó khi vua chúa phong kiến nước Anh nói chuyện với nhân dân nước Anh phải dùng thông ngôn chăng? Có phải nhận cho rằng bọn họ hoàn toàn không nói tiếng Anh và lúc bấy giờ tiếng Anh hoàn toàn không tồn tại nữa, lúc bấy giờ tiếng Pháp ở nước Anh chẳng những là thứ tiếng lịch sự thông hành giữa một số ít tầng lớp trên của quý tộc nước Anh mà còn là thứ tiếng được xem trọng chăng? Làm sao lại có thể căn cứ ở cái luận chứng như câu chuyện đùa ấy để mà phủ nhận sự tồn tại và cần thiết của ngôn ngữ toàn dân được.

Có một lúc bọn quý tộc nước Nga cũng có thói ưa nói tiếng Pháp trong cung đình và khách thính. Họ tự cho rằng khi nói tiếng Nga mà biết chen tiếng Pháp vào, và dùng giọng tiếng Pháp để nói tiếng Nga là điều đắc ý, như thế có phải là hồi đó ở nước Nga không có ngôn ngữ toàn dân chăng? Có phải là hồi đó ngôn ngữ toàn dân chỉ là hư tưởng mà ngôn ngữ “giai cấp” mới là thực sự chăng?

Ở chỗ đó các đồng chí phạm rất ít là hai cái sai lầm.

Cái sai lầm thứ nhất là lẫn ngôn ngữ và thượng tằng kiến trúc làm một. Họ nhận cho rằng thượng tằng kiến trúc đã là có tính giai cấp thì ngôn ngữ cũng phải là “giai cấp” mà không là toàn dân. Nhưng mà trên kia tôi đã nói ngôn ngữ và thượng tằng kiến trúc hai cái khái niệm ấy không giống nhau, người Mác-xít không được phép nhận lẫn làm một.

Cái sai lầm thứ hai là các đồng chí ấy coi sự đối lập giữa lợi ích giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, có sự đấu tranh giai cấp khốc liệt giữa hai đằng là xã hội đã hoàn toàn chia xé và giữa hai cái giai cấp đối địch đã cắt đứt mọi sự liên hệ với nhau. Họ nhận cho rằng xã hội đã chia xé rồi, thì không còn có xã hội thống nhất nữa, có chăng chỉ là giai cấp, vậy thì không cần có thứ ngôn ngữ thống nhất đối với cả xã hội, không cần có ngôn ngữ dân tộc nữa. Xã hội đã hoàn toàn chia xé rồi, và không còn có ngôn ngữ toàn dân nữa, vậy thì còn sót lại cái gì. Còn sót lại chỉ là giai cấp và ngôn ngữ của giai cấp, tự nhiên mỗi ngôn ngữ “giai cấp” đều có ngữ pháp của “giai cấp” chính mình: Ngữ pháp của giai cấp vô sản và ngữ pháp của giai cấp tư sản. Thực ra thì cái thứ ngữ pháp ấy chẳng hề tồn tại trong thế giới này, nhưng điều đó cũng không làm cho các đồng chí ấy lấy làm khó nghĩ, họ cứ tin rằng thứ ngữ pháp ấy rồi sẽ xuất hiện.

Đã có lần, nước ta từng có “nhà Mác-xít” nói quyết rằng sau cách mạng tháng Mười, những đường sắt ở nước ta còn giữ lại là của giai cấp tư sản, người Mác-xít mà lợi dụng thứ đường sắt ấy là bẽ mặt lắm, cần phải giỡ bỏ đi, kiến trúc đường sắt mới của “giai cấp vô sản”. Bởi đó những “nhà Mác-xít” ấy đã được tặng cho cái huy hiệu là “người ở lỗ”.

Cái quan điểm hủ lậu và vô chính phủ chủ nghĩa đối với xã hội, giai cấp và ngôn ngữ như thế, rõ ràng là không giống nhau một chút nào với chủ nghĩa Mác cả, thế mà cái thứ quan điểm ấy thật nó vẫn còn cứ tồn tại trong đầu óc của một số đồng chí hiểu biết sai lầm.

Cho rằng trong xã hội có đấu tranh giai cấp gắt gao thì hình như là cái xã hội ấy đã chia xé ra thành hai giai cấp mà giữa hai đằng không có mảy may sự liên hệ lẫn nhau về kinh tế, rõ thật là không đúng. Trái lại, nếu chủ nghĩa tư bản còn sống một ngày thì giữa bọn hữu sản và bọn vô sản vẫn còn có muôn ngàn mối liên hệ lẫn nhau về kinh tế. Họ là hai bộ phận của xã hội theo chủ nghĩa tư bản. Bọn hữu sản, nếu ở dưới sức chi phối của mình mà không có công nhân để thuê mướn thì không thể sinh hoạt và phát tài nổi; bọn vô sản, nếu không bán sức lao động của mình cho nhà tư bản thì cũng không sống được nữa. Cắt đứt mọi mối liên hệ kinh tế giữa hai đằng ấy là đình chỉ tất cả mọi sự sinh sản, mà đình chỉ tất cả mọi sự sinh sản thì có thể làm cho xã hội diệt vong, chính mình giai cấp diệt vong. Lẽ cố nhiên là không có một giai cấp nào muốn cho chính mình diệt vong cả. Vì thế đấu tranh giai cấp mặc dầu nhọn bén đến đâu cũng không làm cho xã hội tan rã được. Chỉ có không hiểu một tí nào cả về lý luận chủ nghĩa Mác, chỉ có không biết mảy may nào về bản tính của ngôn ngữ thì mới làm cho các đồng chí ấy của chúng ta nói ra những câu bâng quơ như là xã hội chia xé, ngôn ngữ “giai cấp”, ngữ pháp “giai cấp” mà thôi.

Lại nữa, họ còn dẫn chứng lời của Lê-nin, nói Lê-nin nhận cho rằng ở dưới chủ nghĩa tư bản có hai thứ văn hóa, văn hóa của giai cấp tư sản và văn hóa của giai cấp vô sản; nói khẩu hiệu dân tộc văn hóa ở dưới chủ nghĩa tư bản tức là khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa. Hết thảy cái đó đều đúng. Lê-nin nói hoàn toàn đúng. Song le cái đó với ngôn ngữ “có tính giai cấp” có quan hệ gì đâu? Các đồng chí ấy dẫn chứng Lê-nin hai câu nói về văn hóa đó rõ ràng có ý kiến bạn đọc tin rằng ở trong xã hội đã tồn tại hai thứ văn hóa, văn hóa của giai cấp tư sản và văn hóa của giai cấp vô sản, vậy thì cũng phải có hai thứ ngôn ngữ, bởi vì ngôn ngữ với văn hóa liên hệ nhau, và từ đó lấy được cái kết luận rằng Lê-nin đã phủ định sự cần thiết của ngôn ngữ dân tộc thống nhất, từ đó thấy được Lê-nin cũng chủ trương ngôn ngữ “có tính giai cấp”. Chỗ sai lầm của các đồng chí ấy ở đây là bởi họ đã đánh lộn sòng ngôn ngữ với văn hóa làm một. Thực ra thì văn hóa và ngôn ngữ là hai vật không giống nhau. Văn hóa có thể của giai cấp tư sản và của chủ nghĩa xã hội. Còn ngôn ngữ là công cụ giao tế, vĩnh viễn có tính toàn dân, nó có thể phục vụ cho văn hóa của chủ nghĩa xã hội. Tức như ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Uy-cờ-ren, ngôn ngữ U-béc hiện giờ phục vụ cho văn hóa chủ nghĩa xã hội của các dân tộc ấy rất được việc, cũng như trước cách mạng tháng Mười nó đã phục vụ cho văn hóa giai cấp tư sản của các dân tộc ấy, đó chẳng phải là sự thực rành rành hay sao? Thế đủ thấy rằng các đồng chí ấy nói cách khẳng định rằng đã có hai thứ văn hóa thì phải đưa đến thành hình hai thứ ngôn ngữ, rồi do đó phủ định sự cần thiết của ngôn ngữ thống nhất, là hoàn toàn sai lầm.

Khi nói đến hai thứ văn hóa, Lê-nin chính đã đứng trên nguyên tắc này mà lập luận: dù có hai thứ văn hóa cũng không thể đưa đến phủ định ngôn ngữ thống nhất và thành hình hai thứ ngôn ngữ được, mà khẳng định ngôn ngữ là phải thống nhất. Phái Bun từng chỉ trách Lê-nin, nói ông đã phủ nhận sự cần thiết của ngôn ngữ dân tộc, và giải thích văn hóa là “không có tính dân tộc”. Ai nấy đều biết Lê-nin đã kiên quyết phản bác cái luận điệu ấy. Lê-nin nói rằng ông phản đối là phản đối cái văn hóa của giai cấp tư sản mà không phải phản đối ngôn ngữ dân tộc, ông nhận cho rằng cái sự cần thiết của ngôn ngữ dân tộc là không còn chối cãi gì. Thế mà lại có một số đồng chí chúng ta đi theo đuôi phái Bun, thật đáng lấy làm lạ lắm.

Còn như nói hình như Lê-nin đã phủ định sự cần thiết của ngôn ngữ thống nhất, thì hãy thử nghe lời Lê-nin nói như dưới đây:

“Ngôn ngữ là công cụ giao tế rất trọng yếu của loài người, sự thống nhất và phát triển ngôn ngữ không bị trở ngại là một điều kiện rất trọng yếu, làm cho thích hợp với sự lưu thông thương nghiệp của chủ nghĩa tư bản hiện đại được phát triển thật tự do và rộng rãi, làm cho hết thảy cư dân đâu đó có thể tự do và rộng rãi “tổ chức nên các giai cấp của chính mình”.

Đó đủ thấy rằng các đồng chí đáng yêu ấy của chúng ta đã giải thích cong quẹo quan điểm của Lê-nin.

Sau hết, họ còn dẫn chứng lời nói của Xít-ta-lin, nói Xít-ta-lin có nói rằng: “Giai cấp tư sản và các đảng dân tộc chủ nghĩa của nó từ trước là, mà ở thời kỳ này cũng vẫn là lực lượng lãnh đạo chủ yếu của những dân tộc ấy”. Điều đó hoàn toàn đúng. Giai cấp tư sản và các đảng dân tộc chủ nghĩa của nó quả thật đương lãnh đạo văn hóa giai cấp tư sản, cũng như giai cấp vô sản và các đảng quốc tế chủ nghĩa của nó đương lãnh đạo văn hóa giai cấp vô sản vậy. Nhưng mà điều đó với ngôn ngữ “có tính giai cấp” có dính líu gì nhau đâu? Có lẽ nào các đồng chí ấy không biết rằng ngôn ngữ dân tộc là hình thức của văn hóa dân tộc, ngôn ngữ dân tộc đã có thể phục vụ cho văn hóa của giai cấp tư sản, cũng có thể phục vụ cho văn hóa của chủ nghĩa xã hội hay sao? Có lẽ nào các đồng chí ấy không biết một cái công thức có tiếng của người Mác-xít đề ra nói rằng hiện nay văn hóa của Nga, của Uy-cờ-ren, của Bạch Nga và các văn hóa khác nữa, theo nội dung của nó là xã hội chủ nghĩa, mà theo hình thức của nó là dân tộc, tức là theo ngôn ngữ của nó là dân tộc vậy – các đồng chí đó có đồng ý với cái công thức ấy của chủ nghĩa Mác chăng?

Về chỗ này, sự sai lầm của các đồng chí ấy là, họ không thấy sự khác nhau giữa văn hóa và ngôn ngữ, lại cũng không hiểu rằng văn hóa, nói về nội dung của nó, là theo mỗi một thời kỳ mới của sự phát triển xã hội mà thay đổi, còn ngôn ngữ thì trong bao nhiêu thời kỳ về cơ bản vẫn không thay đổi, nó phục vụ cho văn hóa cũ thế nào thì cũng phục vụ cho văn hóa mới thế ấy.

Nói tóm lại:

a/ Ngôn ngữ dùng làm công cụ giao tế, trước kia đã và hiện nay vẫn đối với xã hội là thống nhất, đối với tổ-thành-viên xã hội là cộng đồng.

b/ Sự tồn tại của tiếng địa phương, tiếng quen dùng và tiếng lóng không hề phủ định mà là khẳng định sự tồn tại của ngôn ngữ toàn dân, bởi vì tiếng địa phương, tiếng quen dùng và tiếng lóng là nhánh nhóc của ngôn ngữ toàn dân, vả lại phục tùng ngôn ngữ toàn dân.

c/ Cái công thức nêu lên rằng ngôn ngữ “có tính giai cấp” là một công thức sai lầm, không phải công thức của chủ nghĩa Mác.

***

HỎI: Những tiêu biểu đặc biệt của ngôn ngữ là gì?

ĐÁP: Ngôn ngữ là một trong những hiện tượng xã hội, từ khi bắt đầu có xã hội thì có ngôn ngữ. Ngôn ngữ theo xã hội sản sinh mà sản sinh, theo xã hội phát triển mà phát triển, đến lúc ngôn ngữ tử vong cũng sẽ theo xã hội tử vong mà tử vong. Ngoài xã hội ra, không có gì gọi là ngôn ngữ. Vì vậy, muốn hiểu một thứ ngôn ngữ nào và quy luật phát triển của nó, chỉ có theo cái lịch sử liên hệ mật thiết với sự phát triển xã hội, cái lịch sử liên hệ mật thiết với nhân dân đã sáng tạo ra thứ ngôn ngữ ấy, sử dụng thứ ngôn ngữ ấy mà nghiên cứu thì mới có thể được mà thôi.

Ngôn ngữ là công cụ, là lợi khí, mọi người lợi dụng nó để giao tế với nhau, trao đổi tư tưởng cho nhau, cho được hiểu biết lẫn nhau. Ngôn ngữ liên hệ trực tiếp với tư duy, nó đem cái kết quả hoạt động của tư duy, cái thành quả hoạt động nhận thức của người ta dùng từ và cú do từ tổ chức nên mà ghi chép lấy, mà cố định lại, như thế, làm cho sự trao đổi tư tưởng giữa xã hội loài người mới có thể thực hiện được.

Trao đổi tư tưởng là sự luôn luôn rất cần thiết, bởi vì không có trao đổi tư tưởng thì không thể làm cho người ta điều hiệp sự hoạt động chung trong cuộc đấu tranh với sức tự nhiên, trong cuộc đấu tranh với của cải vật chất là cái cần thiết cho sinh sản, thì không thể thành công trong những hành vi sinh sản xã hội, nhân đó chính mình sự sinh sản xã hội cũng không thể còn có nữa. Thế đủ thấy rằng không có thứ ngôn ngữ cả xã hội đều hiểu được, không có thứ ngôn ngữ chung cho tổ-thành-viên xã hội, thì xã hội phải đình chỉ sinh sản, phải tan rã. Theo ý nghĩa này mà nói, ngôn ngữ đã là công cụ giao tế, đồng thời cũng là công cụ để đấu tranh và phát triển trong xã hội. Ai nấy vẫn biết hết thẩy những từ trong ngôn ngữ gây nên cái gọi là từ vị của ngôn ngữ. Cái vật chủ yếu trong từ vị của ngôn ngữ là từ vị cơ bản, trong đó bao quát hết thẩy những từ cơ bản làm thành cái cốt tử của từ vị cơ bản. Từ vị cơ bản so với từ vị ngôn ngữ hẹp nhỏ hơn nhiều, nhưng mà sinh mệnh của nó lâu dài lắm, nó sinh tồn trong thời kỳ dài hàng trăm ngàn năm và làm nền móng gây nên những từ mới cho ngôn ngữ. Từ vị phản ánh cái trạng thái phát triển của ngôn ngữ, từ vị càng phong phú, càng phân phiền thì ngôn ngữ cũng càng phong phú, càng phát triển.

Song le, chính mình từ vị còn chưa thành ra ngôn ngữ, nó chỉ là những tài liệu kiến trúc để dựng nên ngôn ngữ. Chẳng khác nào trong nghề kiến trúc, những tài liệu kiến trúc[g] không phải là nhà cửa, tuy rằng không có tài liệu kiến trúc thì cũng không làm nên nhà cửa được. Cùng một lẽ ấy, từ vị của ngôn ngữ không phải tức là ngôn ngữ, tuy rằng không có từ vị cũng không thể tưởng tượng được có một thứ ngôn ngữ nào. Nhưng khi từ vị của ngôn ngữ bị chi phối bởi ngữ pháp của ngôn ngữ thì nó sẽ có một ý nghĩa rất lớn. Ngữ pháp quy định các quy tắc biến hóa của từ và các quy tắc dùng từ đặt câu, điều ấy khiến cho ngôn ngữ có một thứ tính chất có điều lý và dễ hiểu. Ngữ pháp (phép biến hóa từ hình và phép đặt câu) là tổng hợp các quy tắc biến hóa của từ và các quy tắc dùng từ đặt câu, điều ấy khiến cho ngôn ngữ có một thứ tính chất có điều lý và dễ hiểu. Ngữ pháp (phép biến hóa từ hình và phép đặt câu) là tổng hợp các quy tắc biến hóa của từ và các quy tắc dùng từ đặt câu. Bởi đó thấy rằng nhờ có ngữ pháp khiến ngôn ngữ có thể cấp cho người ta cái vỏ ngoài bằng vật chất của tư tưởng tức là ngôn ngữ.

Cái đặc điểm của ngữ pháp ở chỗ nó cấp cho cái quy tắc biến hóa về từ, không phải là từ cụ thể mà là nói chung những từ không có tính cụ thể nào cả; nó cấp cho cái phương pháp đặt câu không phải một thứ câu cụ thể nào, như câu có chủ từ cụ thể, tân từ cụ thể (12) v.v. mà là nói chung những câu, không dính dấp với hình thức cụ thể của một câu nào, bởi đó ngữ pháp làm cho trừu tượng hóa từ và ngữ mà không kể đến nội dung cụ thể của nó. Ngữ pháp lấy những điểm cộng đồng về phép biến hóa về từ và điểm cơ bản dùng từ đặt câu rồi tổ chức nên quy tắc của ngữ pháp, luật của ngữ pháp. Ngữ pháp là thành quả của công tác tư duy nhân loại đã trừu tượng hóa lâu đời, là tiêu biểu của sự thành công lớn lao do tư duy nhân loại đã thu lượm được.

Về phương diện này, ngữ pháp rất giống hình học. Định lý của hình học là trừu tượng hóa những đối tượng cụ thể, coi các thứ đối tượng như những vật thể không có tính cụ thể, và khi quyết định sự quan hệ lẫn nhau giữa chúng nó không coi như những quan hệ cụ thể giữa những đối tượng cụ thể nào đó mà coi như những quan hệ lẫn nhau giữa những vật thể nói chung không có tính cụ thể nào đó.

Ngôn ngữ với thượng tằng kiến trúc không giống nhau. Thượng tằng kiến trúc không liên hệ trực tiếp với sinh sản, mà phải trải qua trung gian của kinh tế; còn ngôn ngữ thì liên hệ trực tiếp với hành vi sinh sản của người ta, vả lại liên hệ trực tiếp với mọi hành vi trong mọi phạm vi công tác của người ta nữa. Bởi đó từ vị của ngôn ngữ biến hóa rất nhanh nhẹn, hầu như nó ở trong sự biến động luôn luôn, vả lại về điểm này ngôn ngữ với thượng tằng kiến trúc không giống nhau, nó không đợi đến cơ sở tiêu diệt, ngay trước khi cơ sở tiêu diệt và cũng không kể trạng thái cơ sở ra sao, nó đã biến hóa trong những từ vị của chính mình nó rồi.

Song le, sự biến hóa của từ vị của ngôn ngữ không giống với của thượng tằng kiến trúc. Sự biến hóa của nó không thực hiện bằng phương pháp trừ bỏ cái cũ xây dựng cái mới, mà thực hiện bằng phương pháp lấy những từ mới làm đầy đủ từ vị hiện hành. Những từ mới này bởi sự thay đổi chế độ xã hội, bởi sự phát triển về sinh sản, văn hóa, khoa học v.v. mà sinh ra. Cùng một lúc ấy trong từ vị tuy có mất đi một ít từ cũ, nhưng cái số lượng từ mới tăng thêm rất nhiều. Đến như từ vị cơ bản thì phần lớn vẫn được giữ nguyên vẹn vả lại sử dụng nó làm nền móng từ vị của ngôn ngữ.

Điều đó rất dễ hiểu, từ vị cơ bản đã có thể sử dụng rất được việc trong bao nhiêu thời kỳ lịch sử thì không có sự cần thiết nào buộc phải tiêu diệt nó đi. Đó còn chưa nói đến rằng đem tiêu diệt những từ vị cơ bản đã dồn chứa hàng trăm ngàn năm mà không thể sáng tạo những từ vị cơ bản mới trong một thời kỳ rất ngắn, thì sẽ làm cho ngôn ngữ tê liệt đi, khiến mọi người mất trọn cái khả năng giao tế lẫn nhau.

Sự biến hóa cách cấu tạo ngữ pháp của ngôn ngữ chậm hơn sự biến hóa từ vị của ngôn ngữ. Cách cấu tạo ngữ pháp đã thành hình ngàn trăm năm nay, nó đã thâm căn cố đế trong ngôn ngữ, cho nên nó biến hóa chậm hơn từ vị cơ bản, nó phải biến hóa dần dần, cải tiến dần dần, trau dồi và sửa chữa những quy tắc của mình, dùng những quy tắc mới làm đầy đủ hơn lên, nhưng nền móng của cách cấu tạo ngữ pháp thì trải qua những thời kỳ rất dài vẫn được giữ lại, vì lịch sử đã chứng tỏ rằng những nền móng ấy đủ sức phục vụ xã hội rất được việc trong bao nhiêu thời đại rồi.

Do đó thấy rằng cách cấu tạo ngữ pháp của ngôn ngữ và từ vị cơ bản là nền móng của ngôn ngữ, là bản chất đặc điểm của ngôn ngữ vậy.

Lịch sử chứng tỏ rằng ngôn ngữ có tính vững chãi khác thường và tính cầm cự rất lớn chống lại sự cưỡng bách đồng hóa. Có những nhà sử học không cắt nghĩa cái hiện tượng ấy mà chỉ lấy cái hiện tượng ấy làm lạ. Nhưng mà trong đó không có cái gì căn cứ khiến cho người ta lấy làm lạ hết. Cái tính vững chãi của ngôn ngữ được tạo thành bởi cái tính vững chãi của cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản của nó. Người Thổ-nhĩ-kỳ toan đồng hóa nhân dân Ban-căng, đã từng ra sức làm tổn hại, phá hoại và tiêu diệt ngôn ngữ của nhân dân các giống người Ban-căng trong mấy trăm năm. Trong thời kỳ ấy, từ vị của ngôn ngữ nhân dân các giống người Ban-căng đã phát sinh sự biến hóa lớn lao, đã tiếp nhận từ và ngữ của Thổ-nhĩ-kỳ không ít; từng có “hỗn hiệp” cũng từng có “phân ly”, nhưng mà ngôn ngữ của nhân dân các giống người Ban-căng vẫn cứ được duy trì bền vững và cứ sống. Thế là vì lẽ gì? Vì cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản của những ngôn ngữ ấy phần lớn đã bảo tồn được vậy.

Do đó có thể kết luận rằng ngôn ngữ và sự kết cấu nó không thể coi là sản vật của một thời đại nào, sự kết cấu của ngôn ngữ, cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản của nó là sản vật của bao nhiêu thời đại.

Có thể suy tưởng rằng những yếu tố của ngôn ngữ hiện đại vốn đã đặt nền móng ở thời kỳ thượng cổ trước thời đại nô lệ, ngôn ngữ thuở ấy không phức tạp, từ vị cơ bản còn nghèo nàn, nhưng có cách cấu tạo ngữ pháp của nó, dù rằng cách cấu tạo ấy rất sơ sài cũng kể được là cách cấu tạo ngữ pháp.

Sinh sản phát triển hơn lên, xuất hiện ra giai cấp, xuất hiện ra văn tự, xuất hiện ra mầm mống quốc gia, quốc gia tiến hành công việc quản lý cần phải có những văn thư trôi chảy, nghề buôn bán phát triển lại cần phải có những thư từ trôi chảy, thế rồi xuất hiện ra máy in, xuất hiện ra ấn loát phẩm, hết thảy những cái đó làm cho ngôn ngữ trong khi phát triển sinh ra sự biến hóa lớn lao. Trong thời kỳ ấy bao nhiêu bộ lạc và bộ tộc tách rời và tản mác ra, tụ họp và hỗn hiệp lại. Về sau xuất hiện ra ngôn ngữ dân tộc và quốc gia, phát sinh ra cách mạng, phát sinh ra cuộc thay đổi giữa chế độ xã hội cũ và chế độ xã hội mới, hết thảy những điều đó làm cho ngôn ngữ và sự phát triển của nó sinh ra sự biến hóa càng lớn.

Song le nếu cho rằng sự phát triển của ngôn ngữ cũng giống như của thượng tằng kiến trúc, là phát triển bằng phương pháp tiêu diệt cái hiện có, gây dựng cái mới, thì là lầm to. Sự thực, sự phát triển của ngôn ngữ không dùng cái phương pháp tiêu diệt ngôn ngữ hiện có, gây dựng ngôn ngữ mới, mà dùng phương pháp khuếch đại và cải tiến những yếu tố cơ bản của ngôn ngữ hiện có. Vả lại ngôn ngữ từ một chất này sang một chất khác không phải là đột biến, không phải là trải qua phương pháp tiêu diệt cái cũ gây dựng cái mới trong chốc lát mà là trái qua sự dồn chứa dần dần và lâu lai những yếu tố chất lượng mới và kết cấu mới của ngôn ngữ, trải qua sự suy vong dần dần của những yếu tố chất lượng cũ rồi mới thực hiện.

Có người nói, ngôn ngữ phát triển theo giai đoạn là lý luận của chủ nghĩa Mác, vì cái thuyết ngôn ngữ phát triển theo giai đoạn thừa nhận sự đột biến là cần thiết, ấy là điều kiện cho ngôn ngữ từ chất cũ sang qua chất mới. Nói như thế rõ thật là không đúng, bởi vì trong cái lý luận ấy rất khó tìm ra ít nhiều cái gì của chủ nghĩa Mác.

Nếu thuyết giai đoạn quả thật nhận cho rằng trong lịch sử phát triển của ngôn ngữ có cái gọi là đột biến, thì lại càng bướng lắm. Chủ nghĩa Mác không thừa nhận có cái gì gọi là đột biến trong sự phát triển ngôn ngữ cả, có cái gì gọi là sự tử vong vụt chốc của ngôn ngữ hiện có và sự sáng tạo vụt chốc của ngôn ngữ mới cả. La-phác có nói, vào khoảng từ năm 1789 đến năm 1794 ở nước Pháp vụt chốc phát sinh ra cuộc cách mạng ngôn ngữ (xem bài “Ngôn ngữ và cách mạng” của La-phác), điều đó không đúng. Thuở ấy ở nước Pháp chưa từng có cuộc cách mạng ngôn ngữ nào thì lấy gì goi là vụt chốc? Quả như vậy, trong thời kỳ ấy từ vị của ngôn ngữ Pháp thêm nhiều từ mới và ngữ mới, mất một số từ vị (13) cũ kỹ, và có những từ đổi ý nghĩa đi, chỉ thế mà thôi. Nhưng sự thay đổi dường ấy chẳng có quyết định vận mạng của ngôn ngữ chút nào. Cái vật chủ yếu trong ngôn ngữ là cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản của nó. Ở thời đại cách mạng tư sản Pháp, cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản của ngôn ngữ Pháp chẳng những không tiêu mất đi mà còn được giữ gìn lại, chẳng có thay đổi gì lớn; chẳng những được giữ gìn lại, mà còn cứ tồn tại trong ngôn ngữ Pháp hiện đại cho đến ngày nay. Không cần nói nữa rằng muốn tiêu diệt ngôn ngữ hiện hữu, sáng lập ngôn ngữ dân tộc mới (“cách mạng ngôn ngữ vụt chốc”) chỉ trong khoảng thời gian năm sáu năm, thật ít ỏi đáng nực cười quá, muốn như thế, phải cần có thời gian mấy trăm năm mới được.

Chủ nghĩa Mác nhận rằng sự chuyển biến của ngôn ngữ từ chất cũ đến chất mới được thực hiện ra chẳng phải trải qua đột biến, chẳng phải trải qua sự tiêu diệt ngôn ngữ hiện có và sáng tạo ngôn ngữ mới mà là trải qua sự dồn chứa dần dần những yếu tố mới của chất mới, tức là trải qua sự tử vong dần dần của những yếu tố cũ.

Nói chung, cần bảo cho các đồng chí mê say thuyết đột biến ấy biết rằng cái phép tắc từ chất cũ sang chất mới phải trải qua đột biến chẳng những không thích dụng cho lịch sử phát triển ngôn ngữ, mà còn không thường thường thích dụng cho những hiện tượng xã hội khác thuộc về loại cơ sở hoặc thuộc về loại thượng tằng kiến trúc. Nói về một xã hội chia ra hai giai cấp đối địch nhau thì đột biến là cần có, nhưng nói về một xã hội không có giai cấp đối địch thì không cần có đột biến. Trong khoảng hai thời gian tám năm đến mười năm, chúng ta từng thực hiện nông nghiệp nước ta từ chế độ nông dân sinh sản cá nhân dưới giai cấp tư sản sang chế độ nông trường(14)  dưới chủ nghĩa xã hội, ấy là một cuộc cách mạng tiêu diệt cái chế độ kinh tế cũ trong hương thôn của giai cấp tư sản, kiến lập cái chế độ mới theo chủ nghĩa xã hội, nhưng mà sự thực hiện cải cách ấy không phải trải qua đột biến, nghĩa là, không trải qua sự đạp đổ chính quyền cũ gây dựng chính quyền mới để thực hiện, mà thực hiện bằng sự trải qua từ chế độ cũ trong hương thôn của giai cấp tư sản chuyển sang chế độ mới dần dần. Việc ấy sở dĩ thành công được là bởi đó là cuộc cách mạng từ trên xuống dưới, cái thứ cải cách ấy do chính quyền hiện tại chủ động tiến hành, được quần chúng cơ bản nông dân ủng hộ mà thực hiện ra.

Có người nói, trong lịch sử từng có bao nhiêu sự thực về các thứ ngôn ngữ phối hợp nhau, có thể căn cứ vào đó để giả định rằng sự phối hợp đó là trải qua đột biến, trải qua từ chất cũ sang chất mới cách vụt chốc mà làm thành hình một thứ ngôn ngữ mới. Nói như thế hoàn toàn không đúng.

Sự phối hợp của ngôn ngữ không thể coi là cái kết quả tạo thành bởi chỉ một hành động một vố quyết định trong khoảng một vài năm. Sự phối hợp ngôn ngữ là kéo dài cái quá trình trong thời kỳ lâu lai mấy trăm năm. Vì đó, ở đây không mảy may nào nói được là đột biến gì cả.

Lại nữa, nếu tưởng rằng kết quả của hai thứ ngôn ngữ phối hợp nhau có thể sinh ra một thứ ngôn ngữ thứ ba mới, khác với một thứ ngôn ngữ nào trong hai thứ ấy, và về chất lượng cũng không giống với một thứ nào, thì sự tưởng ấy quyết là không đúng. Thực sự, trong lúc hai thứ ngôn ngữ phối hợp, thì thường thường có một thứ trong đó chiếm phần thắng lợi, nó bảo tồn cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản của chính mình nó và cứ tiếp tục phát triển theo quy luật phát triển nội bộ của nó; còn thứ ngôn ngữ kia thì dần dần mất cái chất của chính mình đi và dần dần đến suy vong.

Đủ thấy rằng sự phối hợp của hai thứ ngôn ngữ không hề sản sinh thứ ngôn ngữ thứ ba mới nào cả, mà là một thứ trong đó bảo tồn lại, bảo tồn cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản của nó, làm cho nó cứ tiếp tục phát triển theo quy luật phát triển nội bộ của nó.

Quả thật ở dưới tình trạng ấy thứ ngôn ngữ thắng lợi nhờ lấy được một số từ trong thứ ngôn ngữ thất bại làm cho từ vị của chính mình phong phú hơn lên, nhưng điều đó không hề làm cho nó yếu, trái lại, làm cho nó mạnh. Tức như ngôn ngữ Nga là thế đấy, trong quá trình phát triển lịch sử, nó từng phối hợp với ngôn ngữ của mấy dân tộc khác và luôn luôn nó chiếm phần thắng lợi.

Cố nhiên từ vị của ngôn ngữ Nga đầy đủ hơn lên, bởi nó đã lấy được bao nhiêu từ trong mấy thứ ngôn ngữ khác, song le điều đó không làm cho ngôn ngữ Nga yếu đi, trái lại, làm cho nó giầu thêm và mạnh lên. Còn như cái đặc chất dân tộc của ngôn ngữ Nga không hề bị tổn hại mảy may nào bởi vì nó đã bảo tồn được cách cấu tạo ngữ pháp và từ vị cơ bản của chính mình nó mà cứ tiếp tục tiền tiến, tiếp tục phát triển theo quy luật phát triển nội bộ của chính mình nó.

Không còn nghi ngờ gì cả, cái thuyết phối hợp ngôn ngữ không thể đem lại điều gì có ích cho ngôn ngữ học Liên Xô. Cái nhiệm vụ chủ yếu của ngôn ngữ học ở sự nghiên cứu những quy luật phát triển nội bộ của ngôn ngữ, nếu lời này là đúng thì phải thừa nhận rằng cái thuyết phối hợp ngôn ngữ chẳng những không giải quyết được nhiệm vụ ấy, rất đỗi còn chưa hề đề khởi nhiệm vụ ấy, rất đỗi còn chưa hề đề khởi nhiệm vụ ấy, nói ngay rằng nó khinh thường nhiệm vụ ấy, hay là không hiểu nhiệm vụ ấy.

***

HỎI: Báo Chân lý [h] mở ra cuộc tự do thảo luận về vấn đề ngôn ngữ học, làm như thế có đúng không?

ĐÁP: Làm như thế là đúng.

Phải theo phương hướng nào để giải quyết vấn đề ngôn ngữ học, cái đó đợi đến khi cuộc thảo luận kết thúc rồi sẽ rõ; nhưng hiện nay đã có thể nói lần thảo luận này có ích lợi rất lớn.

Lần thảo luận này, trước hết phát giác ra rằng ở các cơ quan ngôn ngữ học của Trung ương cũng như của các nước cộng hòa hiện đương bị thống trị dưới một chế độ không thích hợp với khoa học và với phẩm chất người công tác khoa học. Cái tập đoàn lãnh đạo ngôn ngữ học đối với những người hơi hám phê bình tình trạng ngôn ngữ học Liên Xô, thậm chí những người dợm muốn phê bình cái gọi là “học thuyết mới” trong ngôn ngữ học, đương đè nén và ngăn cấm họ. Có một số công tác giả và nghiên cứu viên ưu tú về ngành ngôn ngữ học chỉ vì lấy thái độ phê bình đối với di nghiệp của N. Ma-rơ (15), chỉ vì đối với học thuyết của N. Ma-rơ[i] hơi tỏ ra không đồng ý, mà đã bị cách chức hay giáng cấp. Có những công tác giả về ngôn ngữ học được cất nhắc lên địa vị phụ trách chẳng phải bởi họ giỏi giang gì, mà chỉ bởi họ vâng theo học thuyết N. Ma-rơ một cách vô điều kiện.

Nếu không có tranh luận bởi bất đồng ý kiến, không có tự do phê bình, thì bất cứ khoa học nào cũng không thể phát triển được, không thể tiến bộ được, điều đó ai ai cũng phải thừa nhận. Thế nhưng cái quy luật được mọi người thừa nhận ấy đã bị xem khinh, đã bị cộc cằn giày đạp lên rồi. Trong ngôn ngữ học Liên Xô, một số người lãnh đạo tự nhận là mười phần đúng mực, họp nhau thành một nhóm thủ cựu, đã dẹp sạch mọi khả năng phê bình để tự mình ngồi cao và yên ổn, muốn làm gì thì làm.

Thử đưa ra một lệ chứng: Cái gọi bằng “giáo tài Ba-ku” (Những bài giảng nghĩa của N. Ma-rơ giảng ở Ba-ku) vốn đã bị chính mình trứ giả bỏ đi rồi, và cấm không được in lại. Thế mà đã do bọn học phiệt gánh phần lãnh đạo ấy (bọn mà đồng chí Mét-sa-ni-nốp gọi là học trò của N.  Ma-rơ) ra lệnh in lại, đem dùng làm sách tham khảo cho học sinh không hề có dè dặt một phần nào. Ấy là lừa dối học sinh, lấy những bài giảng nghĩa đã bị bỏ rồi đem làm sách tham khảo hoàn toàn có giá trị. Nếu tôi không tin vào sự thành thực của đồng chí Mét-sa-ni-nốp[k] và những người khác công tác về ngôn ngữ học thì tôi phải nói rằng những hành vi như thế cũng cầm bằng những hành vi nguy hại.

Những việc như thế sao lại có thể xảy ra? Ấy là vì lối thống trị theo kiểu quân phiệt trong ngành ngôn ngữ học đã dưỡng thành cái thói quen không chịu trách nhiệm, đã khuyến khích những hành vi ngang trái ấy.

Lần thảo luận này sở dĩ có ích lợi rất lớn, trước hết, vì nó đã phát giác ra cái thứ chế độ theo kiểu quân phiệt ấy và đập cho tan nát.

Sự ích lợi của lần thảo luận này chẳng những ở điều đó thôi đâu. Lần thảo luận này chẳng những đập nát cái chế độ cũ trong ngôn ngữ học, mà còn phơi bày ra được một thứ quan niệm hồ đồ không thể tưởng tượng được về những vấn đề trọng yếu trong ngôn ngữ học, cái quan niệm hồ đồ đó lại chiếm lấy địa vị thống trị trong tập đoàn lãnh đạo của ngành khoa học ấy. Trước khi bắt đầu lần thảo luận này, bọn họ che đậy cái tình hình xấu xa trong ngôn ngữ học, nhưng đến sau khi bắt đầu thảo luận, là khi không thể không nói chuyện, cực chẳng đã họ mới viết bài đăng trên báo. Họ viết những gì? Số là trong học thuyết N. Ma-rơ có những chỗ khiếm khuyết và mậu ngộ, có những vấn đề còn chưa nghiên cứu đâu ra đó và những nguyên tắc không tinh xác, xin hỏi “bọn học trò” của N. Ma-rơ sao lại đợi đến khi bắt đầu cuộc thảo luận rồi mới nói những điều ấy ra? Bọn họ trước kia sao lại không để ý tới những điều ấy? Bọn họ sao lại không lấy thái độ người công tác khoa học phải có, nói toang những điều ấy ra cách thật thà và kịp thời?

Sau khi “bọn học trò” của N. Ma-rơ thừa nhận rằng “một vài” chỗ sai lầm “nào đó” của N. Ma-rơ rồi, họ còn cho rằng chỉ có thể tiếp tục phát triển ngôn ngữ học Liên Xô bằng cách tựa theo nền móng lý luận của N. Ma-rơ “đã tu chính” mà họ coi là lý luận của chủ nghĩa Mác. Không được, chúng ta phải duồng bỏ cái “chủ nghĩa Mác” của N. Ma-rơ đi! Thật N. Ma-rơ từng muốn làm một người Mác-xít và cũng từng gắng sức làm, nhưng hắn không thể làm một người Mác-xít được, hắn chỉ giản đơn hóa và dung tục hóa chủ nghĩa Mác đi, một thứ với những phái “Văn hóa vô sản” và “Hiệp hội tác gia vô sản nước Nga”.[l]

  1. Ma-rơ coi ngôn ngữ như thượng tằng kiến trúc, ấy là gán cho ngôn ngữ hoc một công thức không đúng, phi Mác-xít, làm hỗn loạn cho chính mình, cũng làm hỗn loạn cho ngôn ngữ học. Ngôn ngữ học Liên Xô không thể phát triển được trên cái nền móng công thức không đúng ấy.
  2. Ma-rơ còn gán cho ngôn ngữ học một cái công thức không đúng, phi Mác-xit khác nữa, ấy là chủ trương ngôn ngữ “có tính giai cấp”, làm hỗn loạn cho chính mình, cũng làm hỗn loạn cho ngôn ngữ học. Ngôn ngữ học Liên Xô không thể phát triển được trên cái nền móng công thức không đúng, mâu thuẫn với bước đường đi tới của cả bộ lịch sử dân tộc và lịch sử ngôn ngữ ấy.
  3. Ma-rơ gán cho ngôn ngữ học một thứ giọng điệu không khiêm tốn, khoác lác, hợm hĩnh, không phù hợp với chủ nghĩa Mác, nhẹ dạ và dễ dàng phủ định hết thảy những thành tích trong ngôn ngữ học trước N. Ma-rơ.
  4. Ma-rơ la lối om sòm, chỉ trích phép lịch sử so sánh là “duy tâm chủ nghĩa”. Thực ra thì phải nói, phép lịch sử so sánh tuy có những khuyết điểm lớn, còn khá hơn phép phân tích bốn thứ yếu tố(16) đúng duy tâm chủ nghĩa của N. Ma-rơ, vì phép trước còn thúc đẩy công tác nghiên cứu ngôn ngữ, phép sau chỉ muốn cho người ta nằm nghiêng, mò mẫm và đoán phỏng một cách vô ý nghĩa về bốn thứ yếu tố nổi tiếng lừng lẫy ấy mà thôi.
  5. Ma-rơ hợm hĩnh chỉ xích bất cứ sự ướm thử nào về nghiên cứu loại biệt (hệ tộc) của ngôn ngữ, cho đó là một biểu hiện của lý luận “mẫu ngữ” (17) thực ra thì không thể phủ nhận được sự quan hệ bà con của ngôn ngữ, tức như sự quan hệ bà con của ngôn ngữ các dân tộc Xít-la(m): Quả thật, nghiên cứu sự quan hệ bà con của ngôn ngữ các dân tộc ấy có thể làm cho ngôn ngữ học rất có ích lợi về phương diện nghiên cứu các quy luật phát triển của ngôn ngữ. Cố nhiên lý luận “mẫu ngữ” (n)không có mảy may quan hệ gì với vấn đề này.

Nghe kiểu nói của N. Ma-rơ, nhất là của môn đồ hắn, có thể khiến người ta nhìn nhận rằng trước N. Ma-rơ chưa từng có ngôn ngữ học nào cả, ngôn ngữ học chỉ mới bắt đầu có sau khi học thuyết mới của N. Ma-rơ ra đời. Mác và Ăng-ghen còn khiêm tốn hơn nhiều, hai ông này nhận rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng của mình là sản vật của sự phát triển các khoa học kể cả triết học ở trong của các thời kỳ trước.

Đó đủ thấy rằng lần thảo luận này thật có giúp ích về phương diện phơi bày những tư tưởng sai lầm về ngôn ngữ học Liên Xô.

Tôi cho rằng ngôn ngữ học của chúng ta duồng bỏ được những sai lầm của N. Ma-rơ càng chóng thì càng chóng duồng bỏ được cái nguy cơ nó hiện đương có ngày nay.

Tôi cho rằng thủ tiêu cái chế độ quân sự thống trị trong ngôn ngữ học, vứt bỏ những sai lầm của N. Ma-rơ, đem chủ nghĩa Mác tưới vào trong ngôn ngữ học, đó mới là con đường phát triển kiện toàn của ngôn ngữ học Liên Xô.

XÍT-TA-LIN

LỜI PHỤ CỦA NGƯỜI DỊCH

Theo lời Lý Lập Tam,[o] người dịch bài đại luận này ra chữ Hán, thì trước đây không lâu, báo “Chân lý”, tờ báo cơ quan của đảng Cộng sản Liên Xô, có mở một cuộc thảo luận về vấn đề ngôn ngữ học Liên Xô, nhiều học giả chuyên môn tham gia cuộc thảo luận rất sôi nổi. Đồng thời có mấy hội viên Viện khoa học Uy-cờ-ren cũng phát biểu những bài chuyên luận về vấn đề ấy, thành ra cuộc thảo luận càng sôi nổi, ý kiến càng bất nhất. Giữa lúc ấy một số thanh niên trong đảng xin Xit-ta-lin phát biểu ý kiến mình trên báo về vấn đề ngôn ngữ học, nhất là về chủ nghĩa Mác đối với ngôn ngữ học. Xit-ta-lin bèn viết bài này đăng lên báo “Chân lý”, số ra ngày 20 tháng 6 năm 1950, trả lời cho một số thanh niên đã hỏi mình, mà cũng gián tiếp trả lời cho hết thảy những bài đăng trên báo “Chân lý” và những bài của hội viên Viện khoa học Uy-cờ-ren.

Đúng một tháng sau bài của Xít-ta-lin được dịch ra chữ Hán, do Lý Lập Tam, một nhân vật Trung Hoa có tiếng, đăng trên báo “Đại công” xuất bản tại Hương Cảng, số ra ngày 21 tháng 7 năm 1950.
Chúng tôi căn cứ bản dịch chữ Hán ấy chuyển dịch ra tiếng Việt, tức là tập sách nhỏ này.
Dịch xong, lại nhận được một bản dịch chữ Pháp đánh máy, không có tên người dịch. Chúng tôi bèn so sánh hai bản dịch xem có chỗ nào dị đồng thì trích ra, luôn với chỗ nào đáng chua thêm cho rõ thì chua ngay ở dưới.
Trong khi làm việc này, chúng tôi rất thận trọng và hết sức trung thành đối với nguyên văn. Chúng tôi không biết và không dám nói đến nguyên văn tiếng Nga, chỉ cầu không phản lại nguyên văn cả hai bản dịch chữ Hán và tiếng Pháp là đủ. Nếu còn có chỗ nào sai lầm, xin bạn đọc chỉ bảo cho.
Bài đại luận này tuy nêu ra chỉ có bốn câu vấn đáp mà thực thì bao hàm rất nhiều vấn đề. Trong bài có nhiều câu lắp đi lắp lại nhiều lần ở nhiều chỗ, mới đọc tưởng như trùng lời điệp ý. Nhưng sau khi đọc thật kỹ, thấy mỗi một chỗ lắp lại như thế là bởi một ý khác. Cũng vì thế mà báo “Đại công” khuyên độc giả của mình nên đọc kỹ, đừng thấy “dài” mà chán, lại nói rằng “sự thực, chỉ dùng ngoài một vạn chữ đã đủ phân tích và giải đáp ngần ấy vấn đề đâu ra đó là dón gọn lắm rồi”.
Nếu có khuyên bạn đọc thì chúng tôi cũng chỉ khuyên đọc thật kỹ, nhất là bạn nào để tâm về ngôn ngữ học nên đọc thật kỹ.
Người dịch
PHAN KHÔI
Nguồn:
Xít-ta-lin, Chủ nghĩa Mác về ngôn ngữ học, /Phan Khôi dịch theo bản dịch chữ Trung Hoa/, Kđ. [Việt Bắc]: Bộ Quốc gia giáo dục – Ban Văn học Vụ văn học nghệ thuật xb., 1951, 61 tr. 19cm.
[a] Chỗ này sách gốc in là “nữ thuật”, hẳn là in sai, tạm sửa là “mỹ thuật”.
(1) Từ vị: Vocabulaire, lexique (nguyên chú). Lưu ý: các chú thích bằng số Arab là nguyên chú của dịch giả Phan Khôi; các chú thích bằng chữ cái Latin trong ngoặc vuông [a, b, c] là của người biên soạn.
[b] Sinh sản: sản xuất (đến những năm này Phan Khôi vẫn dùng một số thuật ngữ xuất hiện hồi đầu thế kỷ XX và đã có từ thay thế, ví dụ “sinh sản” đã được thay bằng “sản xuất”, “sự cần dùng” đã được thay bằng “nhu cầu”);
(2) Từ và ngữ khác nhau. Từ là một chữ hoặc mấy chữ hợp lại mà tỏ được một khái niệm, có một công dụng, tức là terme; ngữ là mấy từ hợp lại mà chưa biểu hiện được một động tác, một ý tưởng trọn vẹn, chưa thành câu, tức là phrase (chữ này là danh từ ngữ pháp tiếng Anh). Đây nói từ và ngữ là theo bản dịch chữ Hán, còn theo bản dịch tiếng Pháp thì lại nói mote et expresetons.
[c] “tổ-thành-viên”: đơn vị hợp thành.
(3) Pút-kin (Pouchkine, 1799-1837): thi nhân nước Nga, nổi tiếng là nhà văn học thế giới.
(4) Những tiếng này là tác giả cử ra một số từ vị cơ bản. Trong bài này, nên chú ý hai cái danh từ “từ vị” và “từ vị cơ bản” khác nhau. Theo tác giả, từ vị cơ bản là những từ gốc trong ngôn ngữ như những tiếng cử ra đây, không hề tiêu diệt đi; còn từ vị nói chung là những từ theo hành vi sinh sản, khoa học, chế độ xã hội mà thay đổi thì có thay đổi luôn luôn. Có phân biệt như thế thì mới khỏi tưởng lầm chỗ này với thượng văn nói “từ vị Nga có biến hóa” và hạn văn nói “từ vị liên miên thay đổi” là mâu thuẫn.
[d] “ánh sáng gẫy” tức là “khúc xạ”.
(5) Thuật ngữ là mots techniques. Theo bản dịch tiếng Pháp, không nói thuật ngữ đặc biệt mà lại nói termes particuliers.
(6) Tiếng quen dùng, bản dịch chữ Hán là “quán dụng ngữ”, tiếng lịch sự là “nhã ngữ”; nhưng theo bản dịch tiếng Pháp, cả ba danh từ này là: des dialectes et jargons de classe, des langues de salon.
[e] Chỗ này có thể dịch giả PK hoặc nhà in có sơ suất chăng, vì phải là “ngôn ngữ giai cấp vô sản” mới đối lập với “ngôn ngữ giai cấp tư sản”, chứ không thể “ngôn ngữ giai cấp tư sản” lại đối lập với chính “ngôn ngữ giai cấp tư sản”.
(7) Từ cú: Lời và câu, theo bản dịch chữ Hán; nhưng bản dịch tiếng Pháp, chỗ này chỉ dùng một từ tournures.
(8) Đây là theo đúng bản dịch chữ Hán; nhưng bản dịch tiếng Pháp, cả đoạn này như thế này: “Ở trong những tiếng quen dùng và tiếng lóng ấy có những gì? Chỉ có một số từ đặc biệt có thú vị riêng cho bọn ở từng lớp trên của giai cấp quý tộc hoặc tư sản; một số thành ngữ và từ cú có vẻ nhã nhặn kiểu cách đặc biệt và tránh những thành ngữ và từ cú “quê kệch” trong ngôn ngữ dân tộc; ngoài ra còn có ít nhiều tiếng ngoại quốc xen vào. Nhưng hầu hết những từ và cách cấu tạo ngữ pháp đều mượn ở trong ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ của toàn dân. Cho nên, những tiếng địa phương, tiếng quen dùng, tiếng lóng chỉ là nhánh nhóc v.v…”. Hai bản dịch trái nhau ở chỗ đảo câu trên xuống câu dưới, đảo câu dưới lên câu trên, nhưng theo mạch văn thì bản dịch tiếng Pháp như thế đúng hơn.
(9) La-phác (Lafague, 1842-1911), người Pháp, một nhà xã hội chủ nghĩa, con rể của Các Mác.
(10) Tập sách nhỏ “Ngôn ngữ và cách mạng”, theo bản dịch tiếng Pháp là: Tập sách nhỏ “Ngôn ngữ nước Pháp trước và sau cuộc Cách mạng” (La Langue franςaise avant et après la  Révolution).
(11) Tiếng bịa đặt, theo bản dịch chữ Hán là “nhân vi ngữ”. Theo bản dịch tiếng Pháp câu này là: “…et tant en qualifiant les dialectes soit de “langue artificielle”, soit de jargon”. Bao nhiêu danh từ “quán dụng ngữ” (tiếng quen dùng) trong bản dịch chữ Hán thì bản dịch chữ Pháp đều nói dialecte cả.
[g] “tài liệu kiến trúc”: nên hiểu là vật liệu kiến trúc.
(12) Chủ từ và tân từ, người Trung Hoa dịch hai chữ subjectobject của tiếng Anh ra. Chỗ này, trong bản dịch tiếng Pháp nói: Un sujet concret, un verbe concret…
(13) Theo bản dịch tiếng Pháp, chỗ này không nói “mất một số từ vị cũ kỹ” mà nói des mots surannés ont disparu, khác nhau với bản dịch chữ Hán ở chữ “từ vị” với mots. Theo văn nghĩa thì nói như bản dịch tiếng Pháp có lẽ đúng hơn, bởi vì có mất thì mất một số từ chứ không thể mất một số từ vị. Có thể ngờ rằng bản dịch chữ Hán in thừa một chữ “vị” chăng ?
(14) Theo bản dịch tiếng Pháp “chế độ nông dân sinh sản cá nhân” là régime de l’ exploitation paysanne individuelle”; “chế độ nông trường” là régime kolkhosien.
[h] Đây ý nói nhật báo “Pravda”, thường dịch là “Sự thật”.
(15) N. Ma-rơ (N. Marr), chưa tra ra được, có lẽ là nhà ngôn ngữ học Nga cận đại, quyết không phải E. Marre, nhà ngôn ngữ học Pháp, sống vào khoảng giữa hai thế kỷ 19-20.
[i] Nikolay Yakovlevich Marr (1864-1934) người Gruzia, nhà Đông phương học, Kavkaz-học, triết gia, sử gia, nhà dân tộc học, khảo cổ học, Viện sĩ Viện hàn lâm đế chế Nga (1912), sau là Viện sĩ, rồi Phó Viện trưởng Viện hàn lâm khoa học Liên Xô.
[k] Ivan Ivanovich Meshchaninov (1883-1967) gốc quý tộc Nga, nhà dân tộc học, nhà ngữ học Liên Xô; vốn là học trò và người kế thừa “học thuyết mới về ngôn ngữ” của N. Marr, về sau đi theo hướng gạt bỏ những luận điểm sai lầm của thầy. Sau bài này của Stalin, học thuyết ngôn ngữ của Marr sụp đổ, Meshchaninov bị mất các chức vụ lãnh đạo ở Viện Hàn lâm nhưng vẫn là viện sĩ.
[l] Phái “Văn hóa vô sản”: tức là “Tổ chức văn hóa giáo dục vô sản” gọi tắt là Proletkult, thành lập sau cách mạng tháng 2/1917, bị giải thể năm 1932. “Hiệp hội tác gia vô sản nước Nga”, gọi tắt là RAPP, hình thành năm 1925, bị giải thể năm 1932, theo chỉ thị “Về việc cải tổ các tổ chức văn học nghệ thuật”  của Ban chấp hành trung ương đảng CS Liên Xô ngày 23.4.1932.
(16) Phép phân tích “bốn thứ yếu tố”, theo bản dịch tiếng pháp là l’ anlyse à quatre éléments. [4 yếu tố: N. Marr cho rằng, mọi từ vựng của mọi ngôn ngữ đều chung nguồn gốc xuất xứ (monogenesis), đó chính là 4 yếu tố vốn là những tiếng kêu khởi đầu lao động: SAL, BER, ION, ROSH (thoạt tiên “không có bất cứ hàm nghĩa gì” và nhắm tới các mục đích ma thuật); bộ môn gọi là “cổ sinh học ngôn ngữ” có thể quy bất cứ từ vựng nào vào một trong số 4 yếu tố ấy. – L.N.Â.]
(17) Lý luận “mẫu ngữ”, theo bản dịch tiếng Pháp là Théorie de la “langue originaire”.
(m) Xít-la: ý nói Slave, tức là các dân tộc ở khu vực Trung và Âu.
(n) Mẫu ngữ: từ này được bản Hoa văn dùng để dịch từ “prajazyk” tiếng Nga, chỉ ngôn ngữ nguyên sơ.
[o] Lý Lập Tam (1899-1967) người Trung Hoa, một trong những nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn đầu, nắm thực quyền lãnh đạo đảng này những năm 1928-1930. Bị khủng bố và chết trong cách mạng văn hóa. Ông có nhiều năm sống ở Liên Xô, vợ ông là người Nga.
Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: