Trang chủ » Báo chí » TIẾP CẬN VĂN BẢN HỌC TRONG NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VÀ XUẤT BẢN: MUỘN CÒN HƠN KHÔNG!

TIẾP CẬN VĂN BẢN HỌC TRONG NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VÀ XUẤT BẢN: MUỘN CÒN HƠN KHÔNG!

Start here

LẠI NGUYÊN ÂN

Thực tiễn đời sống văn hóa văn nghệ gần đây cho thấy cả công tác xuất bản lẫn công việc nghiên cứu phê bình đều cần đến góc tiếp cận văn bản học.

Thật ra thì tiếp cận văn bản học là không thể tránh đối với tất cả những lĩnh vực có liên quan đến ngôn ngữ văn tự. Các tác phẩm chữ viết, khi được truyền bản, nhân bản, dù dưới dạng chép tay hay in ấn, đều đứng trước nhu cầu phải được xử lý về văn bản. Tuy vậy, những việc ấy, ở xứ ta, thường được thực hiện một cách “tự nhiên nhi nhiên”, với những xử lý hoặc bị coi là quá thông thường, hoặc buộc phải tuân thủ những quy tắc tối thiểu nào đó, nên người ta cảm thấy dường như chẳng có vấn đề gì!

Cho đến gần đây, chỉ mới duy nhất có các văn bản thuộc loại hình chữ Hán-Nôm của người Việt, là được công nhiên thừa nhận cần thiết phải xử lý về văn bản học. Đã có một viện nghiên cứu riêng được nhà nước lập ra (Viện nghiên cứu Hán-Nôm), giành cho việc khảo cứu loại hình di sản này của văn hóa chữ viết. Thế nhưng, loại chữ viết kể trên (chữ Hán-Nôm) chỉ được người Việt dùng từ xa xưa cho đến thế kỷ XIX, số lượng tác phẩm Hán-Nôm của tác giả Việt còn tính đếm được có lẽ không quá 5 chữ số. Từ cuối thế kỷ XIX — đầu thế kỷ XX trở đi, xã hội người Việt chủ yếu dùng chữ Quốc ngữ, tức tiếng Việt ghi bằng các ký hiệu Latin của người châu Âu, và nay ta gọi tắt là chữ Việt. Số lượng tác phẩm đủ loại do người Việt viết ra in ra bằng chữ Việt, nay nếu tính đếm, chắc phải dùng đến 10 chữ số.

Và điều đáng nói hơn, những sự cố liên quan đến văn bản (như hai dị bản “bùn”/”đất cày” trong một bài thơ Lưu Quang Vũ gây xôn xao dư luận mới đây) đôi khi ám ảnh cả một công chúng rộng; trong lúc bàn cãi nhau quanh sự cố ấy, người ta mới nhận thấy ở lĩnh vực này dường như đang trống vắng những hiểu biết căn bản có thể làm nền cho những hướng xử lý thích đáng.

Tôi từng nghe kể, có lần, một công chức ở Cục xuất bản bị một người, nhân danh thân nhân tác giả X., đến chất vấn và yêu cầu xử lý, tức là ra lệnh phạt một nhà sách kia, vì đã phạm tới vài trăm lỗi dị bản, khi tái bản tác phẩm của tác giả X. Viên chức nọ không biết xử lý ra sao, đành để vị khách kia ngồi lỳ ở đó!

Câu chuyện hình như được một số nhà văn quan tâm, và người ta vội làm một hội thảo, nêu lên một loạt những lời ta thán, trách cứ giới làm sách, nêu cao những đòi hỏi “chuẩn mực”, “chính xác”, v.v… Thế rồi người ta định lập ra một trung tâm trực thuộc Hội nhà văn với công việc chính sẽ là cung cấp văn bản chuẩn mực các tác phẩm cho xuất bản! Thật may là trung tâm ấy chưa ra đời, bởi nếu nó đi vào hoạt động thì, giới văn chương và công chúng hẳn sẽ được thấy những cảnh ngộ dở cười dở khóc với cái sẽ được gọi là “văn bản chuẩn mực”! Phải chăng các vấn nạn xung quanh câu chuyện tạm gọi là “in sai” văn bản tác phẩm, lại có thể giải quyết dễ dàng như thế hay sao? Và nếu quả thật các vấn đề là dễ xử lý thì vì sao mỗi khi nó  xuất hiện lại thường gây ách tắc đến vậy?

Nếu muốn tìm kinh nghiệm từ giới chuyên gia văn bản học người Việt, chắc hẳn trước hết phải tìm tới các nhà Hán-Nôm học; song ngoài các vấn đề chung ra, loại hình văn bản Hán-Nôm gắn với một thời đại kỹ nghệ khác (viết tay, chép tay, in khắc ván, v.v.), khó mà đủ để xử lý loại văn bản của các thời đại in máy (typographie), in sắp chữ rời, từ thủ công, bán thủ công sang tự động hóa, rồi công nghệ in thời đại internet.

Tất nhiên ngọn nguồn mọi tác phẩm là từ tác giả. Phải có văn bản của tác giả rồi mới có các văn bản in.

Song, ngay văn bản của tác giả (có khái niệm “bản thảo”) cũng đã không đơn giản; hầu như ít tác phẩm nào chỉ duy nhất có một văn bản; một bài thơ ngắn, trong sổ tay tác giả có thể cũng đã có vài dị bản ở câu này chữ kia, do tác giả cân nhắc giữa vài ba từ khả dĩ đáp ứng chiến lược diễn ngôn của mình. Khái niệm “văn bản gốc”, đi vào nghiên cứu cụ thể, sẽ thấy không hề đơn giản. (Vả chăng, đến khi tác phẩm được xem là thành tựu thì tác giả đã đi xa, cả bản nháp lẫn “bản gốc” hầu hết đều không còn).

Sang giai đoạn văn bản được nhân bản, từ một bản của tác giả được in thành ngàn bản, chục ngàn bản, tức là văn bản đăng báo, in sách, thì tuy mỗi lần in tạo ra một văn bản đồng nhất, bởi đều được dập ra từ một bộ khuôn chữ, nhưng những lần in khác nhau lại tạo ra những văn bản khác nhau, mỗi lần in lại tạo cho tác phẩm thêm một loạt dị bản.

Tôi đã nghiệm thấy rõ điều này khi khảo sát tình trạng văn bản một số tác phẩm cụ thể. Không bao giờ văn bản một tác phẩm ở các lần in khác nhau lại đồng nhất, trùng khít nhau; đó gần như là quy luật.

Tựu trung tôi thấy có hai loại nguyên nhân khiến cho mỗi lần in, cùng một tác phẩm sẽ tạo ra thêm một dị bản mới.

Thứ nhất là loại nguyên nhân “chủ quan”, do chủ ý của những người tham gia công việc xuất bản: 1/ tác giả (nếu còn sống khi tác phẩm của mình được in lại) có thể (và có quyền) sửa chữa tác phẩm của mình; 2/ người xuất bản có thể đề xuất những thay đổi nhất định trong văn bản tác phẩm đưa in, vì những lý do nào đấy, chí ít là quy tắc chính tả, quy tắc viết tên riêng, v.v.; 3/ cơ quan kiểm duyệt (chính quyền đương thời cấp giấy phép in) có thể cắt bỏ những câu chữ, đoạn văn nhất định.

Thứ hai là loại nguyên nhân “khách quan”, vô tình, ngoài ý muốn: tác giả có khi vô tình viết sai một vài từ nào đấy (câu “Người là đấng tinh truyền thanh vẹn” bị ngờ là do Hàn Mặc Tử viết nhịu cái câu có lẽ nguyên là “Người là đấng trinh tuyền thánh vẹn”!); thợ sắp chữ có thể sắp sai những chữ, câu, đoạn nhất định mà thợ sửa in không phát hiện ra nên đã không sửa trên khuôn in; nhân viên đánh máy cũng có thể vô tình phạm những lỗi tương tự thợ sắp chữ; trên máy in thủ công và bán thủ công còn xảy ra việc chữ rơi khỏi khuôn in, đôi khi thợ trực máy in sẽ cứu nguy bằng cách vuốt trở lại những con chữ nhảy ra ngoài ấy trở vào khuôn, nhưng chưa chắc nó đã về đúng chỗ cũ mà có thể lại nhập vào dòng khác, tạo ra những sai biệt độc đáo trên trang sách in ra…

Vậy là nếu ở thời đại chỉ có thể truyền bản các tác phẩm bằng cách chép tay đã tiềm ẩn nguy cơ tạo dị bản, từng được tổng kết là “tam sao thất bản”, thì sang các thời đại nhân bản bằng in khắc ván, in máy, tác phẩm được nhân bản cũng vẫn đứng trước nguy cơ có thêm dị bản như xưa, không thể tránh được. Sản phẩm in là sản phẩm của con người, nó tùy thuộc hàng loạt nhân tố con người, như ta vừa thử hình dung.

Xin nêu một dẫn chứng dị bản “sai”, xuất hiện hồi 1976, chứ nếu xuất hiện bây giờ, chắc sẽ “vỡ chợ” văn!

Đọc vào truyện ngắn “Mùa lạc” của Nguyễn Khải, in trong tuyển “33 truyện ngắn chọn lọc” của Nxb. Tác Phẩm Mới (1976), thấy câu này về lai lịch chị Đào:

… được đứa con trai lên hai thì chồng chết. Cách mấy tháng sau đứa con lên sài bỏ đi để chị ở một mình. Từ ngày ấy chị không có gia đình nữa, đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy chồng, khi ngược Lào Cai buôn gà vịt, mùa tu hú kêu sang đất Hà Nam buôn vải, tháng sáu lại về quê bẻ nhãn…”   (“33 truyện ngắn chọn lọc, Nxb. TPM., 1976, tr. 199)

Đang mạch văn kể lể từa tựa giọng thổ lộ tâm tư giữa đám đàn bà xứ Bắc, nhưng sao lại có sự việc “khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy chồng”?  Tra lại mấy cuốn khác nhau có in truyện này mới vỡ lẽ, chỗ ấy đúng ra là “khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy muồng”! Muồng, có lẽ là tên một thứ cây lá hay hoa quả, tóm lại là tên mặt hàng. Chị này đi làm nghề buôn mà lại! Thế mà in lầm ra “lấy chồng”, rõ thật tai hại. Mà cái sai này, tuyển “33 truyện ngắn chọn lọc” (Nxb. Tác Phẩm Mới, 1976) chỉ tiếp tục cái sai đã có từ một tập sách khác, chứ không phải sách này là nơi phát sinh chữ sai ấy!

Công bằng mà nói, ở thời dùng máy in với các khuôn chữ chì, các công đoạn làm việc được phân định rất tách bạch; do vậy sách báo in sai khá ít; sách in ra thường có bản đính chính các lỗi in sai dán kèm, tức là nhà xuất bản thường cho nhân viên đọc lại ngay sau khi sách in xong, rồi đưa ra những “tờ rơi” đính chính cần thiết.

Sách in sai nhiều nhất, theo tôi, là hồi ta chuyển từ kiểu in sắp chữ chì sang kiểu làm chế bản trang in trên máy vi tính; tức là những năm 1990s. Nhân viên đánh máy chế bản lúc ấy chưa biết cách làm chủ các kỹ thuật trên computer nên gây ra lỗi sai đầy rẫy; nhiều khi cả người sửa in lẫn biên tập viên đều ghi rõ yêu cầu sửa lên các bản “bông”, nhưng các lỗi sai vẫn rất nhiều, chủ yếu do nhân viên đánh máy chưa làm chủ kỹ thuật chỉnh sửa, định dạng đúng cho các trang sách sẽ in. Một số bạn thân quen trong giới với tôi hồi ấy thường nhận xét với nhau: các bộ “tuyển”, bộ “tổng” dày trang, nhiều tập, làm trong những năm này, có một nét chung: văn bản trong đó không đủ độ tin cậy để ta sử dụng!

Dăm bảy năm gần lại đây, nghề sách có những tiến triển thấy rõ, nhất là về kỹ nghệ in ấn. Song tình trạng lỗi in sai vẫn còn khá trầm trọng. Có những nguyên nhân thuộc về thương mại, khi người buôn bán sách không còn trực tiếp gắn với việc sản xuất sách nữa, người ta chỉ lo mấy yếu tố bề ngoài, cái bìa, bố cục chung, loại giấy in, v.v., còn nội dung chữ nghĩa thì khoán trắng cho một vài đầu mối vốn tương đối yếu về năng lực thẩm định chất lượng. Lại có những nguyên nhân thuộc về tầm hiểu biết chung quá hạn hẹp của những nhân viên tham gia các công đoạn làm sách. Tất nhiên trong nghề sách cũng đang diễn ra sự phân hóa về đẳng cấp; ta nên trông đợi những nhân tố ưu tú vượt lên.

Liên quan đến những phàn nàn trong dư luận về lỗi in sai, tôi không cổ động cung cách “quân phiệt” là xử phạt; tôi cho là cần tăng cường phê bình chất lượng sách, tăng cường phản hồi của bạn đọc, nhất là xung quanh những lỗi in. Điều căn bản hơn là nên khuyến khích người làm xuất bản, khi tái bản tác phẩm, học lấy cách tìm tới những sản phẩm in uy tín trước kia, học lấy sự kỹ tính khi lựa chọn bản cũ để in lại; cũng nên nhắc họ nghiêm khắc hơn đối với đám nhân viên mới dự vào nghề làm sách, đừng chấp nhận lối ỷ vào quê quán để đưa những sai lệch ngữ âm vùng miền, những lối nói sai nói ngọng vào sách báo in. Cũng nên nhắc lại rằng: Công việc tái bản, in lại tác phẩm phải được đặt trong mục tiêu đưa lại cho công chúng một văn bản gần nhất với văn bản của tác giả; xin chớ nệ vào những toan tính “sửa thế này sẽ hay hơn” để làm lệch khỏi văn bản của tác giả.

Song song với các nỗ lực trong giới xuất bản, thì các giới nghiên cứu phê bình cũng nên dành thời gian và nỗ lực cho góc tiếp cận văn bản học. Trước hết, các tác phẩm chữ Việt đã đạt được sự công nhận ở mức nào đó của công chúng (qua các chỉ số xã hội học như số lần in, số bản in, hoặc sự đánh giá của giới phê bình) thì cần được khảo sát về mặt văn bản. Phải thấy, tình trạng một loạt tác phẩm xuất hiện từ những năm 1930s, được công chúng nhớ tên, mà cho đến nay vẫn chưa được khảo sát tình trạng văn bản qua các lần in khác nhau, — là điều khó có thể chấp nhận. Giới nghiên cứu các ngành xã hội-nhân văn trong nước hiện giờ không đến nỗi quá ít oi về nhân sự để không thể đào tạo lấy một số chuyên gia có năng lực giải quyết các vấn đề văn bản học. Ta đã có một số chuyên gia có uy tín về văn bản học Hán-Nôm; bây giờ cần có thêm những chuyên gia lành nghề về văn bản học chữ Quốc ngữ (= chữ Việt).

Chỉ các kết quả những khảo sát văn bản học cụ thể, đối với từng tác phẩm, mới cho phép hình dung tiến triển về văn bản của mỗi tác phẩm khi được truyền bản ở các lần in sau, qua đó có thể thấy ít nhiều diễn biến về thị hiếu, về ngôn ngữ xã hội, tâm lý xã hội, v.v.

Nếu trong một tác phẩm qua các lần in sau xuất hiện những dị bản trái với lối viết ban đầu của tác giả thì có thể coi dị bản là quá trình làm sai khác văn bản tác giả.

Công việc tái bản, in lại tác phẩm phải nhằm đưa lại cho công chúng văn bản gần nhất với văn bản của tác giả.

Trong nghiên cứu phê bình, đôi khi ta còn có thể đọc ra những xu thế, xu hướng văn hóa xã hội khác nhau hiển thị ở lịch trình làm lệch đi, sai khác đi đối với văn bản ban đầu một tác phẩm.

16/7/2016  

LẠI NGUYÊN ÂN

 


Bình luận về bài viết này