TRẦN THANH MẠI PHÊ BÌNH TIỂU THUYẾT “THANH NIÊN S.O.S.” CỦA TRƯƠNG TỬU
Nhân nói về Trần Thanh Mại (3/2/1911 – 2/2/1965), một tên tuổi gắn với thời đầu của Viện Văn học, xin giới thiệu thêm một bài Trần Thanh Mại phê bình Trương-Tửu-nhà-tiểu-thuyết (chứ không phải Trương-Tửu-nhà-lý-luận). Bài này đăng năm 1937 trên tuần báo “Cười” ở Huế.
Theo mục từ “Trần Thanh Mại” trên Wikipedia.org, tác gia Trần Thanh Mại có bài đăng báo từ 1932.
Theo phạm vi tìm hiểu còn chưa đầy đủ của tôi (L.N.Â.), những năm 1935-37, Trần Thanh Mại cộng tác với nhật báo “Tràng An” thời Phan Khôi là chủ bút (tháng 3/1935 – tháng 2/1936), sau đó cũng cộng tác với tuần báo “Sông Hương” (tháng 8/1936 – tháng 3/1937) của chủ nhiệm kiêm chủ bút Phan Khôi, công bố ký sự lịch sử “Tuy Lý Vương” trên “Sông Hương” trước khi in thành sách riêng.
Thời kỳ nhật báo “Tràng An” do Lê Thanh Cảnh làm chủ bút, Trần Thanh Mại tiếp tục cộng tác với “Tràng An”. Khi Lê Thanh Cảnh lập ra tuần báo “Cười”, ông đã mời Trần Thanh Mại làm chủ bút. Đây có lẽ là lần thứ nhất (và duy nhất?) nhà nghiên cứu này điều hành một tòa soạn; thế nhưng vai trò này thậm chí còn chưa được giới nghiên cứu văn học sử ghi nhận (các bản tiểu sử chính thức trong “Lược truyện các tác gia Việt Nam”, trong danh mục hội viên Hội nhà văn VN, trong “Tuyển tập” dành riêng cho tác gia này đều chưa ghi việc này).
Hiện tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội còn lưu chừng 5 số “Cười”. Điều thú vị là trên các trang báo “Cười” lại hơi ít bài mục cười cợt, và hơi nhiều hơn những bài nghiêm túc, thậm chí là các bài hiếm hoi và có giá trị tư liệu văn học sử, ví dụ tư liệu khẳng định Nguyễn Thiện Thuật là tác giả của bài ca “Hoán tỉnh quốc dân”, hoặc một số bài của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, v.v…
Bài Trần Thanh Mại phê bình tiểu thuyết “Thanh niên S.O.S.” (Minh Phương xb., Hà Nội, 1937) của Trương Tửu là một trong số khá ít bài của tuần báo “Cười” về văn học đương đại. Ở đây người ta thấy tác gia họ Trần quan tâm đến hiện tại không kém gì đến quá khứ. Có lẽ điều này sẽ ít nhiều tiên liệu sự việc, về sau này, vào những năm 1956-58 ở Hà Nội, Trần Thanh Mại lại trở thành cây bút đắc lực hưởng ứng việc “đấu tố” các nhân vật thuộc phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Theo nhà nghiên cứu Lê Hoài Nguyên thì bút danh Hồng Quảng ở các bài phê phán Phan Khôi, Trương Tửu thời kỳ ấy, chính là bút danh của Trần Thanh Mại.
Nhưng ta hãy trở lại đọc bài báo đăng năm 1937 này để thấy ngay từ năm ấy, Trần Thanh Mại đã nhận ra: ngòi bút viết văn xuôi tự sự của Trương Tửu lại có sự gần gũi với văn xuôi tả chân của Vũ Trọng Phụng! Đây là một nhận xét mà những người đã và sẽ nghiên cứu cả hai nhà văn này cần phải xác nhận hoặc bác bỏ.
Xin trân trọng giới thiệu.
24/11/2013
LẠI NGUYÊN ÂN
CỨU LẤY THANH NIÊN!
Trần Thanh Mại
Nếu như có một nhà văn, trong một thuở đã làm náo động làng văn vì cách hành văn mới lạ của mình, vì những lời phê bình táo bạo, vì những sự phán đoán quả quyết, người ấy hẳn là ông Trương Tửu.
Ông Trương đã khêu gợi tánh hiếu kỳ của ta trong khi ông viết, ông đã kêu gọi sự chăm chú của ta khi ông phê bình. Với một sự tự tin chắc nhiều khi có hơi quá đáng ở thiên tài, ở học lực của ông, những lời ông nói ra hầu như có cái mãnh lực chém sắt chặt đinh. Nó có cái dạng cứng cát, xác đáng như không còn lý lẽ nào lay chuyển được nữa.
Cuộc khảo sát, hay cái luận thuyết của ông về nền “Văn học Việt Nam hiện đại” mà ông đã khởi đầu trong báo “Loa” quá cố và bỗng nhiên ông lại cắt ngang bỏ dở, kể cũng là một việc đáng tiếc, đáng tiếc không phải vì những điều phán đoán của ông đã hoàn toàn hợp với chân lý, mà chính vì nó vẫn có một phần đặc sắc, nó cho ta thấu rõ cái nhân cách cương quyết mạnh mẽ của ông.
Ngày nay Trương quân cũng dùng lối hành văn mới lạ ấy, cũng lấy cách phán đoán táo bạo ấy mà viết quyển Thanh Niên S.O.S. (tiểu thuyết, Minh Phương xuất bản, 1937) mà thử giải quyết vấn đề thanh niên ở xã hội Việt Nam.
Thanh Niên S.O.S. là chuyện một anh chàng trẻ tuổi thuộc về thời đại sau mấy cuộc biến động chính trị 1929-1931, giữa lúc nạn khủng hoảng về kinh tế đang kềm hãm người ta. Liêu, anh chàng ấy tự tìm cho mình một con đường đi, tự lựa chọn một lý thuyết để làm tôn chỉ cho sự sống.
Giữa khi đang ngập ngừng bất định ấy, thì Văn và đồng lõa, đều là một bọn thanh niên bị hoàn cảnh xã hội biến thành những con quỷ sứ ranh mãnh, cẩu hạnh, lôi kéo vào cuộc sống ô trọc của chúng qua các nhà thổ, tiệm hút, đăng-xinh… Liêu rơi từ hầm sâu này xuống hầm sâu hơn nữa, đến chán cả tình yêu, vật mà chàng đã rắp ranh đem làm lý tưởng cho đời mình, đến làm cho người yêu của mình vừa thành mẹ thì đá quách người ta đi, rồi sau đến mắc phải bệnh loạn óc, có lẽ đến chết cũng nên.
Cái luận thuyết của ông Trương Tửu, nên nói ngay ra, chỉ gồm được một vài phần chân lý, hay chỉ có một vài hình dạng chân lý mà thôi! Thật ra sự trụy lạc của thanh niên không phải chỉ kể từ sau cuộc chính biến 1929-1931 và sau cuộc kinh tế khủng hoảng.
Ông Trương Tửu ngờ thế, tin chắc thế, là bởi vì ông quá chịu ảnh hưởng của phương pháp phê bình phân loại của khoa học Âu Tây. Ồng bị mấy con tỉ số, mấy đoạn lịch sử ám ảnh đó thôi. Xét ra, sau khi người Pháp đã thiết lập cuộc bảo hộ trên đất nước Việt Nam và sau trận Âu chiến 1914-1918, nghĩa là trong khi toàn quốc đã hầu như được hưởng một cuộc thái bình tàm tạm, thì vấn đề trụy lạc thanh niên đã có thể có được rồi.
Qua đến 1935, nạn kinh tế khủng hoảng đã bớt dần, hầu hết các hạng trí thức trong nước đều được chính phủ bổ dụng, hoặc cũng đã tự kiếm được việc làm trong những công cuộc kinh doanh thương mại kỹ nghệ; cái tương lai về phương diện vật chất hầu đã được chắc chắn lắm rồi; ấy thế mà sự trụy lạc của thanh niên hình như càng ngày càng bành trướng. Hiện bây giờ trở đi, ta có thể nói mà không sợ sai lầm quá đáng rằng, một người Việt Nam lớn lên là xã hội Việt Nam thêm một người hư; một người rời khỏi ghế nhà trường, bước khỏi nhà cha mẹ, là thành một người bỏ. Mấy người ấy họ chỉ từ cái khuôn khổ luân lý đã dung đúc họ tự nhỏ đến giờ, bước qua cái chỗ không luân lý một tý nào ở gác nhảy, tiệm hút, nhà gá bạc, hay xóm gái đĩ, mang một cái dương dương tự đắc không quan tâm, không chủ nghĩa, không biết ngày mai! S.O.S.! Thật không bao giờ thanh niên cần phải kêu mấy tiếng S.O.S. như lúc này.
Từ mấy năm nay cái nền tảng xã hội do những lý thuyết Nho giáo xây nên, đã bị những tư tưởng tàn phá của văn hóa Âu Tây tràn vào lung lay đạp đổ; mỗi một ông cụ nho chết là một người lính ngã ở trong đạo quân cuối cùng không điền thế. Không kể dở hay, hợp thời với không, Nho giáo ở trong cái phạm vi chật hẹp yếu đuối của nó cũng đã làm một chiếc trói cho đám thanh niên thời đại trước dựa vào. Nếu như nó là tảng đá chặn đường không cho người ta tiến, thì ít ra nó cũng là sợi dây giằng giữ đám thanh niên kia khỏi sa ngã vào hầm trụy lạc.
Những học thuyết khoa học thực nghiệm du nhập ở xứ ta, trong khi khắp xứ đều bao bọc một màn tin mê u muội, những sự chung đụng, những điều kinh nghiệm trong cuộc đời mới khiến cho ta mất thói dị đoan, đến không còn tin ở cả tôn giáo nữa; mà bây giờ nếu thanh niên còn phải tuân theo một quy tắc của đạo Phật hay đạo Trời, cũng chỉ theo bề ngoài vậy thôi, chớ riêng họ, họ đã phỉ báng tự bao giờ.
Còn lại cái phương diện chính trị.
Thì nước Việt Nam đang ở vào một tình thế rất buồn cười, là không phải lo đến chính trị. Chính trị đã có nước Pháp trông nom hộ. Chúng ta mất đứt cái dịp để hiến tấm lòng hâm mộ của ta; ta không có cái đích để noi chí hướng chính trị của ta, cái cớ để ta dùng tất cả năng lực hoạt động của tuổi ta.
Thì…
Luân lý rỗng không, tôn giáo rỗng không, chính trị rỗng không, mọi sự cần đến lòng hăng hái nhiệt thành của ta, đều không có cả. Ta thấy trơ trọi một mình, trơ trọi với cái bản năng đã xấu sẵn của con người. Với cái bản năng thú vật, lẽ tất nhiên bao nhiêu lòng hăng hái, bao nhiêu sức hoạt động đương bồng bột sôi, đang mạnh bạo chuyển ấy, ta phải bất lực mà thấy nó trở về phụng sự nhục dục, giúp việc cho Dâm Thần.
Vì đó: Trụy lạc.
Một khi người ta đã thấy rõ nguyên nhân trong vấn đề trụy lạc kia rồi, thì tự nhiên thấy ngay cái phương pháp cứu vãn.
Vì không xét cho đầy đủ nguồn gốc của sự trụy lạc như trên đã nói, quyển Thanh Niên S.O.S. đã bày ra một khuyết điểm lớn. Ông Trương Tửu ra cái vấn đề nhưng ông không giải quyết. Ông đặt câu hỏi mà ông không cho câu trả lời. Người ta nghe ông hùng hồn hô hào đánh đổ xã hội này mà làm lại xã hội khác. Nhưng làm lại bằng cách gì? Phải dụng tâm thế nào? Đó là những câu mà người ta tự hỏi khi đọc Thanh Niên S.O.S.
Không nỡ trách Trương quân đã khéo trình ra một câu chuyện treo chuông cổ mèo, người đọc sách cũng không khỏi lấy làm bực tức mà nhận thấy cái thiếu lớn ấy trong công trình mà tác giả đã hướng dẫn một cách thông minh, can đảm và nhiệt thành.
Nay ta hãy bàn đến cách ông Trương Tửu mô tả sự trụy lạc ấy như thế nào.
Tuy ông Trương Tửu kéo chúng ta qua đủ các lò trụy lạc: tiệm nhảy, buồng hút, nhà săm, nhưng hình như ông chỉ cốt áp dụng cái nghệ thuật tài tình của cây bút ông về việc giải phẫu những cử chỉ dâm dục, những sự rẫy rụa băn khoăn của xác thịt mà thôi.
Viết quyển Thanh Niên S.O.S. Trương quân đã vận áo một nhà luân lý, một nhà đạo đức. Nhưng ông lại còn là một nhà văn tả chân. Cái nghệ thuật tả chân can đảm đến táo bạo, thiết thực đến sống sượng, tỉ mỉ đến thô tục. Đọc sách ông, người ta ngờ cho ông bị nhiều ảnh hưởng xấu của các nhà văn sĩ Victor Marguerite, Georges Anquetil, [1] hay là gần một bên ta hơn, Vũ Trọng Phụng. Đứng về mặt đạo đức luân lý và để đánh đổ những tội ác nhục dục, tác giả đã làm cho người ta lắm khi có cái cảm tưởng rằng ông tả lấy những việc ấy là vui thích, rằng ông muốn tìm trong sự mô tả căn vặn đầy đủ ấy một mối khoái trá ích kỷ. Có lúc người ta phải tự hỏi không biết sách có ích hay là vô ích, chỉ vô ích suông mà thôi hay là còn di hại cho thanh niên?
Nhưng ngày nào mà con người lấy riêng phần sinh lý mà nói thả luống cho cái bản năng vật dục của mình, còn ưng dòm qua lỗ thìa khóa để xem một cặp trai gái làm những gì trong buồng tối, thì người ta còn tìm mà đọc những cuốn sách như cuốn Thanh Niên S.O.S. của Trương quân. [2]
Nguồn: Cười, Huế, s. 1 (1er Octobre 1937), tr. 4.
Chú thích
[1] Victor Margueritte (1866-1942), nhà văn, kịch tác gia Pháp; Georges Anquetil (1888-?) nhà văn Pháp.
[2] Bài này đăng tuần báo Cười, xuất bản ở Huế, báo do Le Thanh Cảnh sáng lập, Trần Thanh Mại là chủ bút.
THƠ MỚI TRÊN BÁO “CƯỜI”
LỜI DẪN – Tuần báo “Cười” (Huế, 1937-38) có đôi phần nghiêng về khảo cổ văn chương, nhưng cũng có phần tiếp cận sáng tác đương thời. Báo đăng một số truyện ngắn, một số bài thơ mới.
Dưới đây tôi rút các bài thơ mới đăng báo “Cười” giới thiệu lại với những ai quan tâm.
L.N.A.
TIẾNG “CƯỜI” Ở THẦN KINH
Thần kinh là chốn tôn nghiêm
Nghìn năm nhiễm vẻ kinh niên cỗi già
Kể từ phong cảnh bao la
Nào là núi Ngự nào là sông Hương
Đến nơi đài điện, phố phường
Ủ trong không khí nghiêm trang tẻ buồn
Người thời cử chỉ, ngữ ngôn
Vẫn còn bó buộc trong khuôn cổ thời
Chắp tay: dạ, bẩm, quan, ngài…
Làm chi câu nệ cho người chắt chiu!
Cho đời buồn thỉu buồn thiu
Cho nơi đô hội đìu hiu, hở trời!
Bây giờ phá một tiếng “Cười”,
Tiếng reo vui vẻ của đời trẻ trung
Cười lên cho chuyển cho rung
Khua làn không khí mịt mùng ủ ê,
Buồn, sầu như đám mây che
Gió vui đánh bật, nắng loe sáng ngời.
Non sông sáng sủa vui tươi
Khiến ta thấy sống trên đời là vui.
TÚ MỠ
(trong Tự Lực Văn Đoàn)
Nguồn: Cười, Huế, s. 1 (1 er Octobre 1937), tr. 2
ĐỜI NGHỆ SĨ
Bên đường vắng dưới mưa phùn tê lạnh
Tiết êm đềm nhưng khổ chỉ phần ai,
Một cô sẩm mù say hát cảnh Bồng Lai
Mà cảnh ấy cảnh nàng cùng trái ngược.
Lòng rỗng đói nàng ca đời đầy phước
Của nữ thần chói lọi giữa hồng châu,
Và ca ngàn tiên không mơn thoảng hơi sầu
Lúc nàng bận thầm lo tiền buổi tối,
Giữ tiếng nấc để ca trận cười đứt nối
Trên cung Hằng dìu dặt gió lùa hương,
Hát đời vui với những giọng sầu thương
Như mình lạnh nàng ca ngày êm ấm,
Nàng chỉ muốn tìm ít hồi đằm thắm
Cho hạng người cùng khổ như nàng nghe,
Nhưng đáy thau trước mặt tay nàng ve
Thì cũng rỗng như lòng nàng đã rỗng,
Có chăng cchir hạt mưa xuân bòng bõng
Hay cánh mai già gió cuộn hắt vàng thau,
Nhưng thu hơi tàn, ngậm gió, nén lòng đau
Nàng vang hát để xua nhanh đời đau khổ,
Một câu nữa trước khi hơi khàn cổ,
Là “Bồng Lai ơi, … tươi đẹp, … chốn thần tiên!”
Rồi mê man nàng chết bên đường yên…
***
Đấy là bóng muôn năm của chân tài nghệ sĩ
Đem thâm tình để hiến cho đời xem,
Tươi tỉnh vờ để bôi đỏ trên màu đen
Và dấu kín không cho đời rõ thấu,
Như nhạc sĩ kéo đàn trên sân khấu
Nhưng đàn lòng thổn thức chỉ chàng nghe,
Hay văn hào, lòng rỗng, áo quần toe
Ngồi cặm cụi để ca khen đời phong nhã,
Lúc họa sĩ vẽ bầu trời cao cả
Trong túp lều ẩm thấp gió lùa nghiêng,
Và thi nhân tìm mãi mấy vần tiên
Giữa tiếng réo nợ đòi vang trước ngõ,
Vì chưng nghệ sĩ muốn đời mình quên bỏ
Để lựa tiếng đàn hòa nhịp với màu tươi,
Với đàn văn để tìm lại tiếng ngàn khơi,
Để tiếng gió tiếng trăng dằn tiếng khóc,
Miễn đời sướng cần chi mình lăn lóc
Bên chuỗi ngày sầu não kéo triền miên,
Vì nghệ sĩ ơi! Đời khổ là đời tiên!
THANH TỊNH
Nguồn: Cười, Huế, s. 1 (1 er Octobre 1937), tr. 3
THƠ ĐIÊN:
ĐAU THƯƠNG
Ta không nhấp rượu
Mà lòng ta say,
Vì lòng nao nức muốn
Ghì lấy đám mây bay…
Té ra ta vốn làm thi sĩ,
Khát khao trăng gió mà không hay.
Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy,
Trên sóng cành, − sóng áo cô gì má đỏ hây hây.
Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lãng
Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây.
Gió nâng khúc hát lên cao vút…
Vần thơ uốn éo lách rừng mây,
Ta hiểu ra rồi! trong một phút.
Lời tình chới với giữa sương bay.
Tiếng vàng rơi xuống giếng,
Trăng vàng ôm bờ ao,
Gió vàng đang xao xuyến,
Áo vàng hỡi chị chưa chồng đã mặc đi đêm…
Theo tôi đến suối xa miền,
Cổi yếm cổi áo, cổi niềm yêu đương.
Mây trôi lơ lửng trên giòng nước,
Đôi tay vốc uống quên lạnh lùng.
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ,
Đầy mình lốm đốm những hào quang.
HÀN MẶC TỬ
Nguồn: Cười, Huế, s. 1 (1 er Octobre 1937), tr. 14.
REO CƯỜI
Bình sanh tớ tánh ưa hài hước
Dốc bầu thơ để diễu cợt với đời.
Mấy năm trời lặng tiếng im hơi
Nay gặp dịp, reo cười cho thỏa thích,
Đời ngắn ngủi: chẳng qua trăm quyển lịch,
Khóc, buồn, than, nào ích cóc gì đâu!
Rõ hoài hơi mà chác não với mua sầu
Mặc hàng liễu bên cầu than với gió.
Hãy nhìn thế sự qua màu kính đỏ
Vui với vành trăng lấp ló đầu ghềnh,
Với ánh dương quang những buổi bình minh,
Chim nhảy nhót reo mừng hoa cỏ mới,
Hãy cười lên cho ngực phồng, cho nở phổi,
Cho vi trùng lao khó nỗi gặm càn,
Nốc sâm-banh tiếng nổ tợ pháo vang,
Câu chuyện phiếm phá tan sầu tịch mịch,
Môi luôn nở nụ cười bất tuyệt,
Nỗi ưu tư quyết dẹp cho bằng,
Dầu ai bảo tớ rằng xằng,
Trời sinh ra rứa biết răng đặng chừ!
PHỖNG ĐÁ
Nguồn: Cười, Huế, s. 2 (8 Octobre 1937), tr. 2.
TA
Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?
Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?
Ý của ai trào lên trong đáy óc
Để bay đi theo tiếng cười điệu khóc?
Biết làm sao giữ mãi được “Ta” đây:
Thịt cứ chìu theo thú dục chua cay
Máu cứ nhảy theo điệu cuồng kẻ khác
Mắt cứ rõi theo tinh hoa màu sắc
Đau đớn thay! Cho đến cả linh hồn
Cứ bay tìm Chán Nản với U Buồn
Để đỉnh sọ trơ vơ tràn ý thịt?
Mà phải đâu đã đến ngày tiêu diệt?
Muốn hỏi lòng: Ta có có Ta không?
CHẾ LAN VIÊN
Nguồn: Cười, Huế, s. 2 (8 Octobre 1937), tr. 3.
CƯỜI
Đây rượu nóng như nhục tình ghê gớm
Và cay chua như những miếng trần ai.
Hãy uống vào cho não cân đảo lộn
Cho hầu khô cười thét những thôi dài.
Cũng chưa rởn! Còn đây vô số thịt
Sao mi không cào cấu xé tan ra
Rồi cười lên cho chán chường lả mệt
Say sưa đi hồn phách của thân ta!
Điên dại chưa? Uổng công ta lăn lóc
Trong nơi đây tìm chút náo hồn sâu:
Tiếng cười mãi tắt đi ngoài cõi óc
− Thôi! Cho ta cùng với một giòng châu.
CHẾ LAN VIÊN
Nguồn: Cười, Huế, s. 2 (8 Octobre 1937), tr. 3.
HUẾ
Khách du lịch ai người chưa đến Huế
Xin tạm nghe tớ kể một đôi lời,
Dẫu chưn đà để gót khắp nhiều nơi,
Chưa đến Huế, ai ơi, thời cũng tục.
Đô thành Huế mỹ miều rất mực,
Thú phong lưu thức thức tuyệt vời.
Khách văn minh cao quý dẫu mười mươi,
Chưa đến Huế cũng ra người thô lỗ.
Nếu khách vốn là nhà khảo cổ,
Chốn điện đài đồ sộ trang nghiêm,
Lăng tẩm xưa còn để dấu kẻ cung chiêm,
Viện tàng cổ, miếu, chùa, đền trăm kiểu thức.
Nếu khách vốn ham mê thể dục,
Khoa điền kinh mặc sưc đua chơi,
Này sân vận động, này chốn bể bơi,
Cạnh Đất Mới, mệt đã có chị em người đấm bóp.
Nếu khách vốn tánh người ham học,
Sách Tây Nho như nấm mọc rừng hoang,
Nào hội Quảng tri, nào Quốc sử quán, nào Bảo Đại thơ tàng,
Giấy mốc meo bụi mọt khoét ố vàng chi sá kể!
Nếu khách vốn là nhà thi sĩ,
Dòng sông Hương ca kỹ một vài cô,
Vừng trăng lên ánh sáng tỏa mơ hồ,
Tâm hồn khách lơ mơ nhường thoát tục,
Nguồn thi hứng sẽ sôi lên sùng sục,
Sợi tơ lòng một lúc nảy nghìn câu.
Dẫu khách người khó tính đến đâu đâu,
Cũng khiến khách sở cầu như ý nguyện.
Nhưng tớ nói vậy là nói chơi cho có chuyện,
Vì ở đây cảnh đẹp tợ thiên cung,
Cô gái Huế mắt nhung hàm răng ngọc,
Khách sẽ bị cảm lăn cảm lóc,
Bỏ quê nhà đến đóng mô đóng mốc tại đây.
Chốn thần kinh rồi bị nạn dân đầy,
Trách nhiệm ấy Phỗng Đá nầy đâu dám chịu !
PHỖNG ĐÁ
Nguồn: Cười, Huế, s. 2 (8 Octobre 1937), tr. 9.
NGÀY VỀ…
Mời anh cạn hết chén nầy,
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn.
Tiếng gà đã rộn trong thôn,
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay.
Để lòng với rượu cùng say,
Chừ đây lời nói chua cay lạ nhường!
Chừ đây đêm hãy đầy sương,
Con thuyền còn buộc, trăng buông lạnh lùng!
Chừ đây mặt nước não nùng,
Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn.
Tiếng gà lại rộn trong thôn,
Khoan đừng tơ tưởng vợ con chuyện nhà.
Giờ nầy còn của đôi ta,
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người.
Mời anh cạn hết anh ơi!
Rượu đây …..
Rượu sao không muốn kề môi,
Lời đâu kiều diễm cho nguôi lòng chàng?
LƯU TRỌNG LƯ
Nguồn: Cười, Huế, s. 2 (8 Octobre 1937), tr. 14.
CÁI CƯỜI QUÁ KHỨ
HUỲNH THÚC KHÁNG
Báo Cười ra đời ở Huế, chủ bút, ông Trần Thanh Mại, tỏ ý muốn tôi giúp chuyện cười, nhất là chuyện thi văn trong đời tôi.
Ông Tô Đông Ba có nói: “Người đời sống trăm tuổi, trước trừ lúc trẻ thơ, sau trừ già, còn lưa khoảng giữa, kể cái ngày mở miệng cười là không có bao nhiêu…”. Đỗ Mục, thi nhân đời Đường có câu: “Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu” 塵 世 難 逢 開 口 笑, rõ là câu thi trải đời. Trái lại, cái đời quá khứ của tôi cho đến hiện tại nay, cái ngày “mở miệng cười” lại rất nhiều, mà nhiều nhất là phần thi văn. Nói cách khác, đời quá khứ của tôi, xem là đời thi văn suông, cười đời bằng thi văn, mà cũng chính môn thi văn đó trở làm bia cười cho tôi. Kể thi văn cười đó, trên 50 năm nay chất chứa trong não đã thành một cái viện tàng cổ về tài liệu cười.
Trong núi kia có gì 山 中 何 所 有
Đầu núi nhiều mây trắng 頭 中 多 白 雲
Chỉ để vui một mình 只 可 曰 怡 悅
Không thể làm vật tặng 不 堪 待 贈 君
Thì cười của tôi, cũng như mây trắng trong bài thơ Đào Hoành Cảnh nói trên, chỉ để tự vui một mình, vì đem món cười đó phô với đời, không ích gì cho ai, huống cái đời sống sót của mình, đứng giữa hoàn cảnh sống khó này, chung quanh phần đông thường nghe tiếng than, tiếng khóc, tiếng rên rỉ, tiếng đau xót, mà mình cười với ai? Vì thế mà tôi không mấy khi giở cái kho “thi cười” kia ra. Thỉnh thoảng có nhịp, thuật lại đôi câu tự cười một mình vậy thôi.
Nay có bạn đồng nghiệp ra đời ở kề bên cạnh, chuyên một mặt hiến bà con về môn cười, lại có lòng hỏi đến tôi, đáp cái thạnh tình ấy, tôi xin hùn với bạn đồng nghiệp vài chuyện cười trong đời tôi, tức là cái cười quá khứ của ông già, là tôi.
1/ CHUYỆN CƯỜI LÚC CÒN ĐI HỌC
Lúc tôi còn học cử nghiệp, thường cùng anh em bàn sách ngâm thi, tự nhận trên đời không có cái gì vui hơn cái vui “văn tự bằng hữu” mà bác trời kia ít cho người đời được cái cảnh ấy. 文 字 朋 友 之 樂 ,造 物 不 多 與 人 Một bữa có anh em tới chơi bàn văn, sau bạn về, tôi giở sách xem tự cười một mình, có bài thi:
“Độc tiếu” 獨 笑
Phi phi tế vũ thấp quy trần 霏 霏 細 雨 濕 歸 塵
Vân tế u cư khoát nhãn tần 雲 際 幽 居 刮 眼 頻
Phi quyển hốt nhiên thành độc tiếu 披 卷 忽 然 成 獨 笑
Tiếu trung tình sự quyển trung nhân 笑 中 情 事 卷 中 人
Dịch: Đường về phơi phới đám mưa rơi
Trông mãi lên mây khuất bóng người
Giở sách bỗng không cười một chắc
Người trong quyển sách chuyện trong cươi
2/ CHUYỆN CƯỜI LÚC ĐI CHƠI NGÔNG
Năm ấy (1905), tôi 30 tuổi, cùng cụ Tây Hồ, cụ Thái Xuyên, có cuộc Nam du, vào đến Phan Thiết, ở đó mấy tuần, cùng anh em trò chuyện; có vài chuyện cười:
a/ Lúc ấy ông Nguyễn Hiệt Chi làm ký lục ở đấy. Khi nói chuyện ông ta có tánh quen hay cười, tiếng cười to rang rảng, làm cho câu chuyện thêm vui (sau ông nhiều tuổi có vẻ trầm tịnh, hiện đã quá cố). Anh em gọi ông là Lục Vân đời nay (HTK chú: người đời Lục triều có bệnh cười). Tôi có tặng câu đối:
Quân chân tợ Lục Vân, trần thế chỉ kim đương nhất tiếu
君 眞 似 陸 雲 塵 世 只 今 當 一 笑
Ngã dục tầm Tư Mã, giang hồ hà xứ phiếm cô châu
我 欲 尋 司 馬 江 湖 何 處 泛 孤 周
Dịch: Người hẳn giống Lục Vân, trần thế một cười xong chuyện nhảm,
Ta muốn tìm Tư Mã, giang hồ khắp xứ biết nơi đâu? (HTK chú: Tư Mã Thiên, nhà sử học đời Hán, đi chơi khắp thiên hạ).
b/ Cũng chuyến Nam du ấy, ba anh em chúng tôi không nói tên thiệt, chỉ nói làm nghề thầy địa, thầy thuốc, v.v… Từ Bình Định vào đến Bình Thuận, có ghé chơi nhiều nơi, mà không ai biết chúng tôi là người gì. Khi vào đến Phan Thiết, dạo chơi đã đôi ba ngày, tình cờ gặp một người đồng xứ, người ấy nhìn ngay; biết không dấu tên được nữa, chúng tôi mới lòi tên thiệt ra. Người nhìn chúng tôi là ông Bùi Hữu Chi (đã quá cố).
Nguyên ông Bùi, người Quảng Nam, vào trong Bình Thuận dạy học, lấy tịch trong ấy, thi trường Bình Định đỗ Cử nhân, rồi hồi tố, lại được bổ làm Hậu bổ tỉnh Bình Thuận. Khi tình cờ gặp chúng tôi, ông ấy tỏ bộ ngạc nhiên và mừng rỡ, mời ngay về nhà và đãi tiệc, tự đó người ta mới biết có mấy ông Tấn sĩ, Phó bảng ở Quảng Nam vào chơi. Tôi có tặng ông Bùi một câu đối:
Quân diệc tùng Ngũ Hành Sơn, chung dục đắc lai, khoa hoạn phong lưu, du khách tiền tung đàm lịch lịch,
君亦 從五 行 山 鐘 毓 得 萊 科 宦 風 流 遊 客 前 蹤 談歷 歷
Ngã ngẫu phỏng tam phiên hải yên ba quá thử, giang hồ lạc mạc, tương phùng vô ngữ tiếu kha kha.
我 偶 訪三 藩 海 烟波過 此 江 湖 洛 莫 相 逢 無 語 笑 珂 珂
Dịch:
Người vẫn từ Ngũ Hành Sơn un đúc, mới có ngày nay, khoa hoạn phong lưu, kiếp trước chơi ngông còn đâu sẵn,
Ta viếng cảnh tam phiên hải yên ba, tình cờ vào đây, giang hồ quạnh quẽ, gặp nhau không nói chỉ cười suông.
3/ CHUYỆN CƯỜI LÚC Ở TÙ
Tấn kịch “xin xâu” năm 1908, trước hết cụ Tây Hồ bị đày ra Côn Đảo, sau tiếp đến thân sĩ các tỉnh cũng bị đày ra ngoài, dầu là người không can dự gì đến việc ấy. Cụ Tây Hồ ra trước, được biệt đãi ra ở người làng An Hải, không ở trong khám tù, bọn thân sĩ ra sau đều bị nhốt trong khám cả. Sau đến mấy tháng, tôi ra làm xâu sở rẫy, mới được gặp cụ. Khi gặp nhau, tôi thấy cụ đã rụng hết 3 cái răng cửa, mà cụ lấy làm lạ cho tôi, vì đầu tóc tôi bạc đến hai phần ba (nguyên tóc tôi bạc sớm, nhưng bạc nửa phần trong, đến khi cúp ngắn mới thấy tóc bạc nhiều). Tôi có khẩu hiệu một bài tuyệt:
Khả liên câu thị trích Côn Lôn 可 憐 俱 是 謫 崑 崙
Bỉ thử sâm thương kỷ hiểu hôn 彼 此 參 商 幾 曉 昏
Ngã phát thương thương quân xỉ lạc 我 髮 倉 倉 君 齒 落
Tương phùng nhứt tiếu lưỡng vô ngôn 相 逢 一 笑 兩 無 言
Dịch:
Côn Lôn cũng một cảnh tù chung
Đây đó xa nhau cách mấy trùng
Ngươi đã rụng răng ta tóc bạc
Gặp nhau không nói chỉ cười ngông
Trên là cái cười lúc ở tù, tôi vẫn còn răng, mà cười cụ Tây Hồ rụng răng; vì khi mới ra Côn Lôn tôi tóc bạc mà răng chưa rụng; nhưng sau vài năm thì tôi bắt đầu đau một cái răng rồi lung lay. Cái đau răng nó khổ thế nào, ai đến cái tuổi đó mới biết, lắm bữa bỏ ăn bỏ ngủ, anh em khuyên đến nhà thương nhổ đi, nhưng tôi tiếc lắm, nhứt định chịu vậy. Sau cứ 5 – 6 ngày nó lại đau, tôi liều đi nhổ. Một hàm răng mà thiếu đi một cái, không sao ngăn được mối thương tiếc, mà trông gương dễ buồn cười; tôi có bài thi:
Sanh lai ngạo cốt bổn tằng lăng 生 來 傲 骨 本 嶒 崚
Thấu thạch danh sơn khí hựu tằng 潄 石 名 山 氣 又 增
Tù đảo như kim nghiên hắc phạn 囚 島 如 今 研 黑 飯
Ngự diên nhứt tạc khiết hồng lăng 御 筵 一 昨 囓 紅 綾
Tân cam thế vị đương cơ biến 辛 甘 世 味 當 幾 遍
Xúc ốc dung lưu quải vị tằng 齪 饇 庸 流 掛 未 曾
Đối cảnh tương khan hoàn tự tiếu 對 境 相 看 還 自 笑
Tinh thuần dưỡng đáo liệm phong lăng 精 純 養 到 斂 丰 稜
Dịch:
Cốt ngạo sanh ra khí chất chồng
Non cao ngậm đá lại càng ngông
Đảo tù nay vẫn nhai cơm hút [1]
Tiệc ngự xưa tầng nếm bánh hồng [2]
Mui đà trải thừa đời đắng ngọt
Nếu không thèm hở bọn phàm dung [3]
Trông gương mình lại cười mình chắc
Ngoài, đã tinh thuần, cứng ở trong.
Ấy là cái cười của tôi lúc mới bắt đầu rụng một cái răng.
Từ đó trở lên là cái cười trong đời tôi vào khoảng tuổi trẻ, tuổi thiếu tráng, có những bài thi lưu dấu tích lại như thế. Sau đoạn 13 năm lịch sử Côn Lôn, mang cái sống sót về xứ sở, thì bắt đầu vào cái tuổi già; trải qua vài năm Dân biểu cho đến mười năm làm báo, hai hàm răng lần lượt rụng hết, hiện chỉ lưa có hai cái. Trong khoảng ấy, có lắm chuyện cười, nhưng đã thành cái cười của ông già, thỉnh thoảng phát biểu trên tờ báo, không có thi cười riêng nữa. Bà con đã đọc Tiếng Dân, tưởng đủ nghe thấy cái cười của ông già nầy thế nào, không phải thuật lại.
Minh Viên HUỲNH THÚC KHÁNG
Chú thích
[1] Tù ở Côn Lôn ăn cơm gạo xay không giã, vì ăn gạo giã trắng sanh ra bệnh tê.
[2] Đời Đường, thi đỗ Tấn sĩ có ăn yến, bánh gói trong lãnh đỏ gọi là 紅綾餅.
[3] 未曾掛齒 /vị tằng quải xỉ/ là không thèm kể đến.
Nguồn: Cười, Huế, s. 1 (1er Octobre 1937), tr. 6. Bản vi tính do Hồ sơ văn học thực hiện.
CHIẾC CUNG THẦN CỦA AN DƯƠNG VƯƠNG
Làm sao cắt nghĩa được đôi phần trong sự tích hoang đường ấy?
TRẦN THANH MẠI
Còn nên kể lại không, sự tích vua An Dương Vương, thần Kim Quy và chiếc cung mầu nhiệm ấy? Còn nên nhắc lại không, cuộc tình duyên giữa cặp tài tử giai nhân Trọng Thủy, Mỵ Châu nó đã cung bao mối cảm hoài cho bao nhà thi sĩ?
Người học sử, nếu có chút ít trí phán đoán phê bình, hẳn không sao công nhận được những việc hoang đường huyền hoặc của “thời đại nghi sử” mà một việc là sự tích vua Thục An Dương Vương.
An Dương sau khi đã chinh phục được nước Văn Lang, bèn nghĩ đến việc dựng kinh đô, nhưng thành xây lên chừng nào, đều bị kỳ tinh ác quái đổ sụp đi chừng nấy. Một hôm kia, ưu phiền quá, An Dương Vương ngồi than thở một mình thì có một ông già đến truyền cho một phép mầu để xây thành được kiên cố, lại cho một vút rùa, bảo tra vào cung thì tự khắc cung ấy bắn ra một phát đủ giết chết vạn người. Hỏi tung tích thì ông già xưng mình là Giang sứ, là một con rùa thần trấn ở sông gần đấy.
Xây được thành Cổ Loa, và nhờ chiếc thần cung ấy, thanh thế của An Dương Vương càng ngày càng thêm mạnh. Triệu Đà, tướng của nhà Tần sai qua đánh Thục, bao phen thất trận đành phải cầu thân. Nhưng chẳng hiểu sự cầu thân của Triệu khôn khéo đến bực nào mà An Dương còn gả con gái mình là Mỵ Châu cho con Triệu Đà là Trọng Thủy nữa, để cho Trọng Thủy có dịp đánh tráo cái móng rùa thần rồi trốn về cất binh mã qua diệt nước Văn Lang. An Dương Vương mất chiếc nỏ thần, đại bại, bỏ kinh đô, mang con gái trên mình ngựa chạy về sông Bích thì gặp thần kim quy ở dưới nước hiện lên, tố cáo tội trạng của Mỵ Châu. An Dương bèn rút gươm giết chết con rồi theo giang sứ đi về thủ phủ. Trọng Thủy làm xong nhiệm vụ tôi trung con thảo của mình, cũng không tiếc gì mà không tự tử để cho được tiếng chồng tình.
Sự tích là như thế. Nó hay lắm, nó hay quá chừng.
Nhưng nay ta hãy tự hỏi một vài câu: An Dương Vương được chiếc cung bắn một phát chết vạn người, vì sao An Dương lại chịu lấy mỗi một xứ Văn Lang, không dùng phép mầu nhiệm của mình mà khuếch trương thanh thế, lấy thành thâu lũy, làm bá chủ cả thiên hạ cho sướng thân. Hay là tính vua không tham lam, không tàn bạo, nhân đức từ bi, chỉ hành động vừa đủ phòng bị cho mình mà không muốn hại nhiều sinh mạng? Điều ấy đáng nghi lắm, nếu ta biết cái tính tình con người thượng cổ nó thô lỗ đơn sơ đến chừng nào, gần con thú vật đến chừng nào, nói một cách khác, nó hung tợn, bạo ngược, khát máu, thèm giết chừng nào!
Đến như Triệu Đà thì tấm lòng tham đã có chứng cứ rõ ràng. Chinh phục được Văn Lang rồi, Triệu trở mặt với Tần Thủy Hoàng ngay. Thế thì vì cớ gì, khi Triệu Đà đã có trong tay chiếc thần nỗ lại không nghĩ đến việc dùng nó để đánh thâu luôn cả đế quốc nhà Tần? Móng chân rùa đã hết thiêng chăng? Nhà chép sử có cái u mê đành bỏ dở nửa chuyện mà không cần đến luận lý.
Vậy thì nghi chăng? Tin chăng? Cả câu chuyện hoàn toàn hoang đường huyễn hoặc chăng? Hay là vẫn có một phần chân lý, có một phần ít đã quả thực có xảy ra chăng? Vậy thì người học sử bây giờ, người viết sử sau này nên bỏ hẳn đi, hay nên để nguyên vẹn đầu đuôi sự tích?
Ông Tùy Viên là một nhà trứ tác Trung Hoa về đời nhà Thanh. Ai ngờ trong bản sách của ông, bản Tùy Viên Thi Thoại mà không mấy nhà nho Việt Nam là không biết, ai ngờ trong bản ấy lại có nhắc đến câu chuyện nó đương làm ta phân vân nghi hoặc. Câu chuyện đành rằng không giống nhau từng chữ một, nhiều tên người tên đất có khác, một đôi đặc điểm cũng không in. Nhưng đọc qua ta cũng biết đó là sự tích An Dương, Triệu Đà, Mỵ Châu, Trọng Thủy, đích xác đi rồi, không còn lầm lộn được.
Một điều nên ghi nhớ nữa là, câu chuyện ấy, Tùy Viên nhân đọc một quyển sách đời trước, thấy hay hay mà trích lục ra. Tin ở nhà trứ tác ấy, ta biết được rằng quyển sách kia nhan đề “Việt Kiệu Chí” [1] và chỉ biết thế thôi, chứ sách viết từ đời nào, do người nào viết, và có thể tìm ở đâu có, thì Tùy Viên dấu kín. Không hiểu tại vì người Á Đông không biết cách làm việc khảo cứu, hay là vì một cái thâm ý của tác giả. Dẫu sao đoạn văn trong “Việt Kiệu Chí” được Tùy Viên dẫn ra như sau này:
南 越 古 蠻 洞 , 秦 辰 最 彊 , 俗 尤 美 , 弩 每 發 銅 箭 , 軍 十 餘 人 , 趙 柁 畏 之 , 蠻 王 有 女 蘭 珠 , 美 而 艷 , 製 弩 尤 精 , 柁 乃 遣 子 某 , 贅 其 家 , 不 三 年 盡 得 製 弩 破 弩 之 法 , 遂 起 兵 伐 之, 虜 蠻 王 以 歸
(Phiên: Nam Việt cổ man động, Tần thời tối cường, tục vưu mỹ, nỗ mỗi phát đồng tiễn, quân thập dư nhân, Triệu Đà úy chi. Man Vương hữu nữ Lan Châu, mỹ nhi diễm, chế nỗ vưu tinh. Đà nãi khiển tử mỗ, chuế kỳ gia, bất tam niên tận đắc chế nỗ phá nỗ chi pháp, toại khởi binh phạt chi, lỗ Man Vương dĩ quy)
(Dịch: Về đời nhà Tần, nước Nam Việt có động Cổ Man mạnh lắm, phong tục rất tốt. Có một thứ cung bắn tên đồng, mỗi phát bắn thâu hơn mười người. Triệu Đà sợ lắm. Man Vương có con gái tên là Lan Châu đẹp diệm lắm, lại rất tinh về việc chế cung. Triệu Đà bèn khiến con là mỗ đến làm rể. Không được ba năm, đã học được phép chế cung, phá cung. Rồi khởi binh qua đánh, bắt sống Man Vương đem về)
Nhân đọc thấy sự tích ấy, Tùy Viên vịnh một bài thơ, mà chính vì bài thơ ấy tác giả mới đem dẫn sự tích vào trong thi thoại.
Thơ rằng:
Triệu vương phụ tử khai biên giới 趙 王 父 子 開 邊 界
Lai chủng Lan Châu nhất đóa hoa 賴 種 蘭 珠 一 朶 花
Đồng nỗ tam thiên tùy tế khứ 銅 弩 三 千 隨 壻 去
Nữ nhi tâm thái vị phu gia 女 兒 心 太 為 夫 家
Dịch:
Cha con vua Triệu mở non sông
Một đóa Lan Châu thực khéo trồng
Ba ngàn cung đồng theo chú rể
Gớm thay lòng gái vị nhà chồng
Nếu như phải tin theo Tùy Viên, thì sự tích Trọng Thủy, Mỵ Châu vẫn có thật, nên sách Tàu mới nói. Cái tên đất Văn Lang, đổi làm Cổ Man, những tên người: An Dương hóa ra Man Vương, Mỵ Châu thành Lan Châu, việc ấy không quan trọng. Có điều cái phần dị đoan mầu nhiệm thì ở đây tuyệt nhiên không thấy đả động đến, mà cái cung vút rùa, té ra chỉ là cung bắn tên đồng!
Nếu phải như thế thì có lẽ chúng ta đã đi gần đến sự thực rồi đấy. Sự thực ấy, nó có thể mày mạy như thế này:
An Dương Vương nhờ có một vị quân sư lão luyện dạy cho cách xây thành Cổ Loa và cái bí mật chế cung đồng mà đánh hơn được giặc. Triệu Đà biết vậy, bèn cầu thân, cho con sang làm rể, nhưng cốt để do thám, ăn trộm cách chế cung. Ta có thể bảo rằng Trọng Thủy là ông tổ thám tử của nước Tàu, có là tên thám tử đầu tiên của thế giới, của lịch sử loài người nữa!
Bày mưu lập kế để lấy lòng người yêu là Mỵ Châu (hay Lan Châu cũng không hại, nhưng Mỵ Châu thì hơn vì cái tên nầy ta đã quen rồi). Trọng Thủy, một đêm kia, lần mò đến kho trữ cung, ăn trộm hết bao nhiêu chiếc cung đã chế ra được, ước chừng ba ngàn, hay chắc chắn hơn nữa, là phá hoại không còn để một cái nào dùng được. Thế rồi trốn về nước, cùng cha cất quân sang đánh ông gia. An Dương mất nước. Các chuyện sau như lông ngỗng dẫn đường, máu Mỵ Châu hóa thành hạt trai trong miệng hến, tên bạc tình lang tự tử trong giếng sâu, là chuyện thêm thắt, do khối óc đầy thơ mộng của người đời xưa, thêu dệt sao cho nên một thiên diễm tình tiểu thuyết, đủ trung đủ hiếu đủ tình. Về việc tạo tác này thì ta có thể nói rằng tiểu thuyết kia đã là một thiên lâm ly tuyệt diệu trong các thiên khác của óc con người đã kết cấu được. Như trên kia đã nói, câu chuyện đã gợi bao mối cảm hoài ngậm ngùi thương tiếc cho biết bao thi sĩ văn nhân.
Không tin là cái quyền nơi ta, người học sử, chỉ muốn đánh truồng chân lý và bắt nó quay đủ phía để tìm một cái trẽn trơ thô lỗ chán chường. Nhưng đó không phải là phần việc của thi nhân.
Một nhà danh nho đời Tự Đức, ông Nguyễn Tư Giản, bán tín bán nghi, nhưng phải cái khiếu thơ của ông nó không cho ông suy nghĩ cho ra lẽ, đã vịnh hai câu đối nơi đền thờ Mỵ Châu ở huyện Đông Thành (Nghệ An):
千 載 下 是 耶 非 , 誰 能 辨 之 , 龜 爪 鵝 毛 傳 舊 史
五 倫 中, 父 與 夫 , 孰 為 親 也 , 蚌 珠 井 水 獨 深 情
Thiên tải hạ thị da phi, thùy năng biện chi, quy trảo nga mao truyền cựu sử;
Ngũ luân trung, phụ dự phu, thụcvi thân dã, bạng châu tỉnh thủy độc thâm tình!
(Dịch:
Dưới nghìn thuở, phải hay trái sao biết cho chừ, lông ngỗng vút rùa truyền sử cũ;
Trong năm luân, cha với chồng ai thân hơn nhỉ; hạt trai nước giếng một tình thâm).
Nhưng gần một bên Nguyễn Tư Giản lại còn có một nhà thi sĩ trăm phần trăm, cảm khái về cuộc tình duyên oái oăm đau đớn đã thốt lên những lời thống thiết bi ai đáng làm một áng văn bất hủ. Nhà thi sĩ ấy chẳng ai khác hơn là vua Dực Tôn. [2] Bài văn ấy nhan đề “An Dương thần nỗ”, gồm trong bộ “Ngự chế Việt sử tổng vịnh”, nó như thế này:
Loa thành tùy trúc tùy phục băng 螺 城 隋 築 隋 復 崩
Giang sứ hà lai khoa kỳ năng 江 使 何 來 誇其 能
Quỷ công nhân xảo giải cấu tựu 鬼 工 人 巧 邂 逅 就
Kiên thành linh nỗ trường kham bằng 堅 城 靈 弩 長 堪 憑
Triệu binh quy 趙 兵 歸
Trọng Thủy nhuế, 仲 始 贅
Hữu giai nhi 有 佳 兒
Đắc giai tế 得 佳 壻
Quân vương ký bất nghi 君 王 既 不 疑
Nhi nữ cánh hà tri 兒 女 更 何 知
Bắc Nam hữu thời thất hòa hảo 北 南 有 辰 失 和 好
Phu phụ sinh tử chung tương tùy 夫 婦 生 死 終相 隨
Sàng đệ tình thân thiệt 床 第 情 親 熱
An tri nỗ cơ chiết 安 知 弩 機 折
Tặc binh dĩ bức thành 賊 兵 已 逼 城
Nhất phát phi sơ liệt! 一 發 非 初 烈
Thông thông thất mã khứ hà chi 匆 匆 匹 馬 去 何 之
Mã thượng nhưng nhiên ủng họa my 馬 上 仍 然 擁 畫 眉
Cẩm nhục tùy thân thiếp nhất khứ 錦 褥 隨 身 妾 一 去
Nga mao dẫn lộ lang lai truy 鵝 毛 引 路 郎 來 追
Nhi da? Tặc da? Hối dĩ hồi 兒 耶 賊 耶 悔 已 迴
Ai tai! Nhất kiếm ân tình đoạn 哀 哉 一 劍 恩 情 斷
Mỵ Nương vi, 媚 娘 違
Mỵ Châu bi 媚 珠 悲
Thủy chung tầm hấn do nữ nhi. 始 終 尋 釁 由 女 兒
Ông Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn, tác giả quyển thi “Tiếng cuốc canh khuya” [3] rất xinh kia, có dịch bài ấy ra quốc văn, bằng cái giọng văn trong trẻo nhẹ nhàng của ông. Xin lục ra đây để các bạn cùng hưởng chung cái hương vị thanh tao nó là sở trường của một nhà thơ ít ai biết tiếng:
Thành ốc xây xây lở lở hoài,
Giang sứ từ đâu đến trổ tài.
Công người sức quỷ hợp làm một,
Thành bền cung báu tốt hòa hai.
Binh Triệu về,
Trọng Thuỷ tới.
Cô gái ngoan,
Chàng rể mới.
Vua cha đã chẳng nghi,
Trẻ con có biết gì?
Bắc Nam dù có lỗi hòa ước,
Vợ chồng sống chết quyết không ly!
Chiếu chăn tình nóng nảy,
Biết đâu máy cung gãy!
Binh giặc đã sáp thành,
Ôi thôi! Cò chẳng nẩy!
Vội vàng lên ngựa biết đi đâu?
Thương con cha cũng dắt theo hầu,
Nệm gấm bên mình thiếp đi trước,
Lông ngỗng chỉ lối chàng rượt sau!
Con ư? Giặc ư? Hối chậm rồi!
Thương thay ân ái chặt làm đôi!
Mỵ Nương thôi!
Mỵ Châu ôi!
Nên hư vì một gái,
Sau trước chửa báo bồi.
TRẦN THANH MẠI
Chú thích
[1] Việt kiệu chí : không rõ; hiện người ta biết có tên sách Việt kiệu thư của tác giả Lý Văn Phượng, người thời Minh.
[2] Vua Dực Tôn: Nguyễn Phúc Thì (1829-1883), hoàng tử Hồng Nhậm, lên ngôi vua đặt niên hiệu Tự Đức (ở ngôi: 1848-1883), sau khi chết được đặt miếu hiệu Nguyễn Dực Tông.
[3] Tập thơ Tiếng cuốc canh khuya của Nguyễn Trọng Cẩn, do Trung Kỳ thư xã ở Huế ấn hành năm 1937.
Nguồn: Tuần báo Cười, Huế, s. 2 (thứ sáu, 8 Octobre 1937), tr. 4-5. Bản vi tính do Hồ sơ văn học thực hiện.